Tăng cường quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm

Năm 2017, được chọn là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, góp phần kiểm soát tốt hơn về an toàn thực phẩm (ATTP).

Năm 2017, ngành NN&PTNT đã thành lập 13 đoàn thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; lấy mẫu thuốc thú y, mẫu thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra 567 lượt tổ chức, cá nhân, đã phát hiện nhiều vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 161 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 40 cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn các huyện, thành phố; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở. Kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc nông sản, đã phát hiện và xử phạt 8 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 65 triệu đồng.

Trong năm qua, hằng tháng, đơn vị chuyên môn của sở thực hiện định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu nông sản, thủy sản test nhanh và gửi đi kiểm nghiệm ATTP. Trong tổng số 397 mẫu được kiểm nghiệm, có 32 mẫu không bảo đảm ATTP. Trong đó, 5 mẫu rau phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; 23 mẫu giò, chả chứa hàn the, 4 mẫu thịt lợn không bảo đảm về chỉ tiêu E.coli, salmonella.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra VSATTP tại cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh của bà Vũ Thị Hường, xóm Giữa, thôn Thọ Lão, xã Hoàng Tây (Kim Bảng) ngày 19/12/2017. Ảnh: Mạnh Hùng

Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần kiểm soát tốt chất lượng nông sản. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp nào vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Vật tư nông nghiệp không có hàng giả, chỉ có một số mẫu có chất lượng không đạt theo như công bố trên bao bì của nhà sản xuất, cơ quan chức năng đã xử lý theo quy định.

Đó là những con số được ghi nhận thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan, đơn vị chức năng. Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, những con số trên chỉ phản ánh được phần nào về chất lượng nông sản và thực trạng vi phạm vệ sinh ATTP. Bởi trong năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) đã tiến hành kiểm tra đột xuất 9 cơ sở, có 8 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền trên 32 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi về công tác kiểm tra chất lượng nông sản trong thời gian gần đây, ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Nhiều cuộc kiểm tra phải thực hiện vào ban đêm, bắt quả tang hành vi vi phạm trước khi đối tượng đưa thực phẩm đi tiêu thụ. Trong thời gian tới, nhất là thời gian trước Tết Nguyên đán 2018, đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra chất lượng nông sản về ATTP.

Để có thực phẩm tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh, trước tiên phải có nguồn nông sản chất lượng tốt. Tuy nhiên, quản lý chất lượng nông sản vẫn là bài toán khó và thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Bởi vì, chất lượng nông sản đang phụ thuộc chính vào người sản xuất.

Công tác kiểm tra, thanh tra chủ yếu theo định kỳ, làm theo đợt và nếu chỉ xử lý hành chính thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Chỉ riêng đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, nguy cơ mất ATTP luôn ở mức cao khi mà khâu giết mổ, bảo quản và phân phối sản phẩm chưa làm đúng quy định.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao công tác kiểm soát chất lượng nông sản, vệ sinh ATTP chưa được như mong đợi? Khó ở đâu và cần những giải pháp nào để đạt hiệu quả cao hơn? Ghi nhận thực tiễn, chúng tôi thấy, khó kiểm soát là do nhận thức về nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm ATTP của người sản xuất còn hạn chế. Trong khi, chính quyền cơ sở còn buông lỏng trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Cách làm hiệu quả là phải quản lý nông sản, sản xuất thực phẩm theo chuỗi, từ đầu vào cho tới đầu ra. Lý giải điều này, người làm chuyên môn cho rằng, làm như vậy vì công tác kiểm tra, test nhanh thì cũng chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc. Test nhanh không thể phát hiện hết các loại hóa chất độc hại tồn dư trong nông sản, thực phẩm.

Nông sản kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là nỗi lo lớn của cộng đồng. Cơ quan chức năng làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm mới chỉ là một giải pháp. Thực tế rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc giám sát sản xuất nông sản nói chung và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.