Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 2 ổ dịch. Ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) trên đàn vịt ở một hộ chăn nuôi tại thôn Chằm, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm). Hậu quả làm 1.135 con gia cầm phải tiêu hủy. Ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện tại 6 hộ chăn nuôi ở xã Mộc Bắc (Duy Tiên).

Ngay sau khi phát hiện bệnh LMLM, các con bò bị bệnh được cách ly, điều trị. Chính quyền địa phương phải rà soát, phân loại số bò vàng, bò sữa, lợn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh để tổ chức tiêm phòng bổ sung. 800 lít hóa chất đã được cấp cho Mộc Bắc để khử trùng, tiêu độc.

Tuy bệnh LMLM và cúm gia cầm đều được khống chế kịp thời, không lây lan trên diện rộng, nhưng những thiệt hại về kinh tế đầu tư cho công tác chống dịch là không hề nhỏ. Đó là chưa kể những thiệt hại do dịch bệnh thông thường xuất hiện lẻ tẻ trên đàn GSGC ở các địa phương trong tỉnh.

Tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm tại gia đình anh Ngô Văn Lập, xã Đồn Xá (Bình Lục). Ảnh: Thế Tuân

Do nhiều yếu tố tác động, nên có thời điểm, dịch bệnh GSGC diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC được thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC.

Tồn tại đáng chú ý là việc tổ chức giám sát dịch bệnh GSGC ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Còn tình trạng người dân vứt xác động vật chết ra sông, nơi công cộng làm ô nhiễm môi trường, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, bệnh.  Lãnh đạo một số địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt đối với công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC.

Còn theo ghi nhận của chúng tôi, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về chăn nuôi, thú y của một bộ phận người chăn nuôi chưa cao. Người chăn nuôi còn tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh GSGC, không quan tâm hoặc chưa thực hiện tốt công tác phối hợp với thú y cơ sở trong việc tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi.  Còn chăn thả gia cầm tự do trong khu vực khó kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Ổ dịch cúm gia cầm ở Liêm Thuận phát sinh là do gia cầm nhiễm bệnh chết bị vứt xuống sông, lây bệnh sang đàn gia cầm đang được nuôi trong khu vực. Năm 2017, kết quả tiêm vắc-xin phòng  một số loại bệnh  gia súc đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, tính đến tháng 11/2017, tiêm phòng bệnh LMLM trên đàn trâu bò, lợn và đàn dê, tỷ lệ đạt đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với bệnh dịch tả lợn, tỷ lệ tiêm phòng (nguồn vắc-xin tỉnh hỗ trợ) chỉ đạt 66,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần là do có sự biến động về tổng đàn lợn (tổng đàn lợn giảm), phần khác là do nhiều hộ chăn nuôi nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc.

Năm 2017, ngành y tế đã ghi nhận một số trường hợp người  bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn (bệnh từ lợn lây sang người). Đây là bệnh truyền nhiễm, có thể gây tử vong cho người nếu không được điều trị kịp thời…

Gia cầm được người dân chăn thả với số lượng lớn cạnh KCN Đồng Văn III (Duy Tiên) - nơi khó kiểm soát được nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ảnh: Mộc Nam

Có thể nói, công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC năm 2018, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người.

Về nhiệm vụ chính trong công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Sở NN&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn chủ động giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, kiên quyết không giấu dịch; giám sát sau tiêm phòng. Sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực chăn nuôi thú y theo kế hoạch được phê duyệt. Về tổ chức thực hiện, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh GSGC các cấp; tuyên truyền sâu rộng qua các phương tiện tuyền thông đại chúng để người chăn nuôi nhận thức đúng, đủ các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y...

Thực tế cho thấy, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là nhận thức của người chăn nuôi và công tác quản lý của chính quyền cơ sở trong việc giám sát, tổ chức phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với chính quyền các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC.

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy