Sản xuất nông sản sạch ở Bình Lục

Những năm gần đây, nhờ tích tụ ruộng đất, huyện Bình Lục đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích tụ ruộng đất, liên kết với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất nông sản sạch.

Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng sản lượng nông sản hàng hóa, chất lượng cao, quy mô lớn là mục tiêu mà huyện Bình Lục đang hướng tới. Bình Lục đã xây dựng kế hoạch về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy hoạch các vùng sản xuất dựa trên đặc điểm về cốt đất của từng vùng. Trong đó, có hơn 400 ha đất màu ở các xã ven sông Châu được quy hoạch sang trồng cây lâu năm; hơn 2.000 ha đất trũng được quy hoạch sản xuất lúa chất lượng, lúa giống.

Bên cạnh đó, Bình Lục còn được UBND tỉnh chấp thuận cho xây dựng 6 mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, với tổng diện tích 80 ha. Thực hiện Kế hoạch số 1136 về sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, 19 xã trên địa bàn huyện đã quy hoạch vùng sản xuất, với tổng diện tích 548 ha. Hiện nay, có 10 xã tổ chức thực hiện được 16 mô hình sản xuất lúa Nhật, cây ăn quả (chuối, bưởi, chanh), cây dược liệu...

Mô hình sản xuất cây bạch chỉ ở xã Mỹ Thọ (Bình Lục).

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Các mô hình tích tụ ruộng đất ở Bình Lục đã phát huy hiệu quả nhất định. Khuyến khích nông dân, địa phương tích tụ ruộng đất, Bình Lục  thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ưu tiên cho các xã đã thực hiện được vùng tích tụ ruộng đất nguồn vốn lồng ghép để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Hằng năm, Bình Lục dành khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ nông dân sản xuất 3 vụ.  Đến nay, có hơn 20 doanh nghiệp về địa phương liên kết sản xuất nông nghiệp với nông dân.

Không phải bây giờ, Bình Lục mới có các mô hình tập trung ruộng đất, mà nhiều năm trước, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, một số xã trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình tập trung ruộng đất chăn nuôi, sản xuất cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Nay chủ trương tích tụ ruộng đất của tỉnh đã rõ, các xã trên địa bàn huyện được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để tích tụ ruộng đất bằng hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Ông Đinh Văn Chữ, Phó Giám đốc HTXDVNN La Sơn (Bình Lục) vui mừng cho chúng tôi biết kết quả từ các mô hình tích tụ ruộng đất ở địa phương. Theo ông Chữ, La Sơn có mô hình trồng chanh, chăn nuôi bò thịt và sản xuất lúa Nhật. Trong đó, vụ mùa năm 2017,  La Sơn sản xuất lúa Nhật thành công, với tổng diện tích hơn 100 ha, nhiều nhất từ trước đến nay. Nếu không tích tụ ruộng đất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ rất khó khăn và hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng khó được nâng cao. Dù vậy, ông Chữ cũng còn băn khoăn về mục tiêu tích tụ đủ 10 ha đất để sản xuất nông sản sạch. Vì, La Sơn còn nhiều vướng mắc.

Ở xã Mỹ Thọ, hơn 2 năm trở lại đây, xã có thêm 3 mô hình tập trung ruộng đất để sản xuất lúa+cá+vịt và trồng cây dược liệu. Mô hình tích tụ ruộng đất của gia đình anh Lại Văn Tân ở thôn Văn Phú hình thành từ năm 2015, với tổng diện tích 2,1 ha. Đây là vùng đất trũng, nông dân không có nhu cầu trồng lúa, anh Tân đã thuê lại để sản xuất theo mô hình lúa+cá+vịt. Bước đầu, doanh thu đạt 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với chỉ độc canh cây lúa.

Cách ruộng nhà anh Tân vài chục mét là mô hình trồng cây bạch chỉ của một hộ nông dân khác ở thôn An Dương, được hình thành thông qua tích tụ ruộng trên diện tích 3,2 ha đất cốt cao. Đây là mô hình trồng cây dược liệu duy nhất ở Mỹ Thọ tính đến thời điểm này.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ chia sẻ: "Mỹ Thọ còn nhiều diện tích đất có thể tích tụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quan điểm của địa phương, những vùng  sản xuất lúa khó khăn, kém hiệu quả, chính quyền khuyến khích nông dân tích tụ lại để đầu tư sản xuất quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn".

 Ông Tuấn cũng khẳng định, tích tụ ruộng đất là chủ trương đúng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông sản sạch theo Kế hoạch 1136  là mục tiêu khó. Bởi vì, hạ tầng sản xuất (đất, nước) của Mỹ Thọ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông sản sạch. Hơn nữa, Mỹ Thọ  chưa thu hút được doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất nông sản sạch với nông dân.

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Các mô hình tích tụ ruộng đất ở Bình Lục đã phát huy hiệu quả nhất định. Khuyến khích nông dân, địa phương tích tụ ruộng đất, Bình Lục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ưu tiên cho các xã đã thực hiện được vùng tích tụ ruộng đất nguồn vốn lồng ghép để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Hằng năm, Bình Lục dành khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ nông dân sản xuất 3 vụ. Đến nay, có hơn 20 doanh nghiệp về địa phương liên kết sản xuất nông nghiệp với nông dân.

Một số xã ở huyện Bình Lục còn trong tình trạng đất chờ doanh nghiệp. Nghĩa là, đất được tích tụ, nhưng không có doanh nghiệp nào vào thuê đất sản xuất.

Theo phản ánh từ các xã ở Bình Lục, nguyên nhân một phần do nông dân và doanh nghiệp không thống nhất được giá thu mua nông sản. Phần khác do cốt đất trũng,  lượng mưa chừng 50-70 mm là ruộng bị ngập, tiêu thoát nước khó khăn cùng với thời gian thuê đất ngắn đã khiến cho doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Đã có doanh nghiệp quyết định vào đầu tư sản xuất, nhưng chỉ được một vài vụ lại rời đi. Thêm nữa, các xã đều gặp vướng mắc về thủ tục trong việc lập đề án, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang trồng cây lâu năm ở những vùng quy hoạch. Nông dân chờ đợi, chính quyền địa phương thì lúng túng về cách làm, thành ra mô hình chuyển đổi vẫn dậm chân tại chỗ.

Có hạ tầng sản xuất tốt thì mới khuyến khích đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Đó là nhận định của chính quyền các địa phương. Đối với những đơn vị khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ để đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tháo gỡ khó khăn này, Bình Lục đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng trạm bơm tưới tiêu chủ động cho vùng tích tụ gần 60 ha ở xã Tràng An. Đồng thời đề nghị ngành chức năng quan tâm hướng dẫn địa phương làm các thủ tục xây dựng dự án, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng cây ăn quả, góp phần thực hiện tốt chủ trương tích tụ ruộng đất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy