Rau xanh rớt giá giai đoạn chuyển vụ

Hiện nay, giá một số loại rau xanh chính đông chuyển sang vụ xuân đang rớt xuống mức rất thấp, chỉ bằng 10 - 40% thời điểm chính vụ. Không những vậy, rau bán rất chậm khiến người trồng bị thua lỗ nặng.

Bà Nguyễn Thị Tình, xóm 6, xã Hưng Công (Bình Lục) đang thu hoạch su hào trên thửa ruộng có diện tích hơn 2 sào cho biết: Thời điểm này rau xanh rẻ quá. Su hào thương lái đến mua tại ruộng trả 200 đồng/củ, bằng số lẻ dịp trước Tết Nguyên đán (hơn 2 nghìn đồng/củ).

Không những vậy, họ mua với số lượng rất ít. Theo bà Tình, nhà có 5 sào đất màu trồng su hào và bắp cải muộn, hiện vẫn còn hơn 3 sào rau chưa bán được với khoảng 1.500 bắp cải và trên 1 nghìn củ su hào.

Nông dân xóm 6, xã Hưng Công (Bình Lục) thu hoạch rau xanh.

Giống như ruộng rau của gia đình bà Tình, cánh đồng xóm 6 trải rộng hơn 10 ha hiện còn đến 50% diện tích vẫn còn su hào, bắp cải đến kỳ thu hoạch nhưng chưa bán được. Không còn cảnh tấp nập mua bán như đầu vụ, người dân cắt từng xe thồ tự chở rau ra chợ bán.

Theo tính toán của người trồng rau xã Hưng Công, 1 xe thồ chở 120 bắp cải đi chợ bán (thường phải đi những chợ xa) mất khoảng 30 nghìn đồng tiền xăng, 10 nghìn đồng tiền vé chợ, chỉ bán được khoảng 140 nghìn đồng. Như vậy, nếu tiết kiệm hết mức cũng chỉ được 100 nghìn đồng cầm về. Cũng xe rau như vậy, thời điểm chính vụ (giá 4.000 đồng/cái) được khoảng 350 nghìn đồng. Được biết, một số nhà còn ít và chủ yếu là rau củ xấu đã chặt bỏ.

Cũng như Hưng Công, các vùng rau khác trong tỉnh đang trong tình trạng khó khăn do rau rớt giá. Dọc vùng bãi ven sông Châu của các xã Nhân Chính, Nhân Nghĩa (Lý Nhân); Bình Nghĩa, Đồng Du (Bình Lục)... vẫn còn khá nhiều các vườn rau su hào, bắp cải đang chờ thu hoạch.

Rau xanh rớt giá đã khiến người nông dân lỗ nặng. Theo tính toán, cây bắp cải phải bán được 2.500 đồng/cây mới hòa vốn (chưa tính công); su hào hơn 1 nghìn đồng. Với giá bán hiện nay người dân chỉ thu hồi được một phần chi phí.

Từ việc rau xanh rớt giá cho thấy sản xuất của người nông dân hiện nay vẫn đang trong tình trạng không kế hoạch, không nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá thị trường. Chính vì thế, vừa hết lứa rau này họ tiếp tục trồng ngay lứa mới vì tiếc đất, không muốn để không chờ vụ mới. Trong khi đó, cho đất nghỉ có rất nhiều lợi ích (sẽ được cày bừa giúp thông thoáng, tơi xốp, diệt được các mầm bệnh cho vụ mới).

Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN & PTNT cho biết: Để khắc phục tình trạng rau rớt giá, người nông dân cần phải thay đổi tư duy từ làm theo thói quen sang phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân từng giai đoạn, mùa vụ trong năm. Đơn cử, thay việc trồng su hào, bắp cải sau khi thu hoạch lứa chính đông bằng việc trồng các loại rau ngắn ngày, diện tích bố trí hợp lý để dễ tiêu thụ.

Từ thực tế sản xuất có thể khẳng định, để khắc phục được "căn bệnh cố hữu" về việc rau xanh rớt giá giai đoạn sang xuân chuyển vụ, người nông dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Cùng với đó, ngành chức năng, chính quyền, HTXDVNN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng giúp người nông dân trong xây dựng kế hoạch, áp dụng các biện pháp sản xuất mới... tạo sự phát triển bền vững, hiệu quả trên đồng ruộng.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.