Quản lý chất lượng nông sản an toàn

Tổ sản xuất rau an toàn tại tổ dân phố số 2, phường Thanh Tuyền (thành phố Phủ Lý) có diện tích gần 2 ha rau, củ, quả nằm trong vùng bối Lại Xá ven sông Đáy. Các hộ dân sản xuất tại đây được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP).

Để giữ được chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn, quá trình sản xuất được quản lý và giám sát chặt chẽ. Theo đó, các hộ trong tổ thực hiện giám sát chéo; đồng thời, mỗi hộ đều ghi rõ tên trên sản phẩm cung cấp ra thị trường để tự chịu trách nhiệm sản phẩm của mình.

Chị Nguyễn Thị Năm, thành viên của Tổ sản xuất rau an toàn tổ dân phố số 2 cho biết: Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ý thức, trách nhiệm của người dân chúng tôi được nâng lên. Bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng chính là uy tín của mình, nếu để rau, củ, quả sản xuất ra kém chất lượng sẽ khó tiêu thụ và ảnh hưởng đến thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Năm, Tổ sản xuất rau an toàn tổ dân phố số 2, phường Thanh Tuyền (TP. Phủ Lý) chăm sóc ruộng rau.

Tại cơ sở sản xuất rau an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) có quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt. Người lao động được hướng dẫn từng khâu sản xuất từ cách trồng, bón phân, đến thu hoạch. Phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng được ủ men vi sinh đúng yêu cầu kỹ thuật do tổ chức Jica (Nhật Bản) hướng dẫn và chuyển giao. Thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng loại sinh học và bảo đảm đủ thời gian cách ly theo quy định mới được thu hái.

Theo anh Phạm Hoàng Hiệp, chủ cơ sở sản xuất rau an toàn Liên Hiệp, sản phẩm rau, củ, quả đều được ký hợp đồng tiêu thụ cho bếp ăn của các doanh nghiệp, trường học, cửa hàng bán nông sản sạch trên địa bàn huyện và thành phố Phủ Lý. Hơn 2 năm đi vào sản xuất, cơ sở chưa có bất kỳ phản hồi nào về chất lượng sản phẩm.

Tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh đã có 245 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản được cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn ATTP. Trong quá trình sản xuất, định kỳ cơ quan chức năng của tỉnh đều thực hiện việc lấy mẫu sản phẩm, kiểm tra giám sát để kịp thời ngăn chặn những sản phẩm có chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép. 

Trong năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã lấy tổng số 385 mẫu nông sản, trong đó có nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thử test nhanh và gửi đi kiểm nghiệm ATTP. 6 tháng đầu năm 2018, chi cục đã lấy 112 mẫu nông sản xét nghiệm.

Đánh giá về chất lượng nông sản an toàn, ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Thực tế cho thấy, các cơ sở đều thực hiện khá tốt quy trình kỹ thuật và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Kể cả tại các cửa hàng nông sản sạch, nông sản bày bán đều bảo đảm chất lượng sau khi lấy mẫu thử test nhanh và gửi mẫu đi xét nghiệm.

Hiện nay, sản xuất và tiêu dùng nông sản an toàn đã đi vào nhận thức và ý thức của đa số người sản xuất và tiêu dùng. Đây là bước chuyển căn bản để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy