Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Lý Nhân

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện Lý Nhân ngày càng được mở rộng, gắn với nhu cầu thị trường. Khâu tổ chức sản xuất từng bước thực hiện theo chuỗi giá trị… Cơ giới hóa được đưa vào các khâu sản xuất giúp nâng cao hiệu quả cây trồng.

Hiện, diện tích trồng cây hàng hóa ở Lý Nhân được thực hiện cả 3 vụ trong năm (vụ xuân, hè thu và vụ đông), với diện tích khoảng 7.000 ha. Riêng cây ngô (cả trên đất bãi chuyên màu và đất 2 lúa) có tổng diện tích khoảng 2.500 ha nay cũng đã được chuyển đổi sang trồng các loại cho giá trị cao hơn (trước đây chủ yếu trồng ngô tẻ lấy hạt) như: Ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp, ngô ngọt… Người dân những vùng thâm canh cao có thể cho thu từ 3 – 4,5 triệu đồng/sào/vụ trồng ngô nếp, ngô ngọt, cao gấp hơn 2 lần trồng ngô tẻ lấy hạt. Các loại cây bí xanh, bí đỏ, rau màu cũng được duy trì diện tích ở các vụ. Nhất là cây dưa chuột sản xuất không chỉ duy trì ở vụ xuân và vụ đông, mà được trồng cả vụ hè thu với giống dưa chuột chịu nhiệt. Diện tích dưa chuột trồng cả năm của huyện đạt gần 600 ha, hình thành những vùng sản xuất quy mô tập trung tại một số địa phương: Xã Chân Lý, Nhân Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Bắc Lý… Riêng diện tích dưa chuột làm nguyên liệu xuất khẩu (ước khoảng 60% diện tích sản xuất) duy trì chuỗi liên kết sản xuất bền vững từ việc ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp và qua các đại lý thu mua. Giá trị sản xuất của cây dưa chuột đạt bình quân  từ 7 – 10 triệu đồng/sào/vụ.

Chăm sóc cây dưa chuột xuất khẩu tại xã Chân Lý (Lý Nhân). Ảnh: Thanh Nam

Được biết, những năm gần đây, huyện Lý Nhân đã áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Trên địa bàn huyện có 2 Khu NNUDCNC có tổng diện tích hơn 200 ha tại Xuân Khê – Nhân Bình và Nhân Khang. Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất sử dụng nhà kính, nhà màn, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước… cũng được triển khai trên địa bàn huyện. Người dân chuyển dần từ phương pháp truyền thống sang sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP…

Điển hình, HTX Nông sản sạch Bảo An (thị trấn Vĩnh Trụ) đã trở thành vệ tinh liên kết với Công ty VinEco (Khu NNUDCNC Xuân Khê – Nhân Bình) sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn cung cấp cho hệ thống siêu thị Winmart. Hiện nay, HTX đang duy trì và mở rộng liên kết với một số vùng trồng rau trong huyện và nơi khác bảo đảm nguồn cung. Bình quân mỗi ngày HTX Nông sản sạch Bảo An cung cấp vào hệ thống siêu thị Winmart từ 200 – 300 kg rau, củ, quả các loại.

Anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An cho biết: Từ chủ trương và hướng đi phù hợp – liên kết nông dân phát triển sản xuất. HTX thu mua sản phẩm đạt chất lượng từ các vùng trồng rau cung cấp cho hệ thống siêu thị  Winmart và các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch. Giá thu mua nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP thường cao hơn so với giá thị trường cùng thời điểm.

Cùng với cây màu, sản xuất 2 vụ lúa tại Lý Nhân cũng đã có sự thay đổi căn bản. Những giống lúa chất lượng hàng hóa cho giá trị cao được đưa vào gieo cấy 2 vụ trong năm chiếm hơn 40% diện tích. Tại huyện, hiện đã xây dựng 15 cánh đồng mẫu, có tổng diện tích gần 300 ha, cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Chỉ tính riêng xã Nhân Mỹ đã xây dựng 9 cánh đồng mẫu, gồm: 2 cánh đồng có quy mô 30 ha/cánh đồng, 7 cánh đồng quy mô 7 – 15 ha/cánh đồng. Các địa phương trong huyện đang mở rộng sản xuất lúa cùng giống, cùng trà trên các cánh đồng. Đồng thời, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Diện tích sản xuất lúa của huyện đã được cơ giới hóa cơ bản ở khâu lấy nước, làm đất, thu hoạch. Hiện nay, huyện đang tích cực đưa cơ giới vào khâu gieo cấy và hướng tới là phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa…

Theo bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ, nơi có nhiều cánh đồng mẫu: Xây dựng được cánh đồng quy mô lớn cấy cùng giống, cùng trà là điều kiện để liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp, đại lý thu mua. HTX đã tổ chức liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa hàng hóa trên 3 cánh đồng mẫu, tổng diện tích khoảng 50 ha.

Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác của huyện Lý Nhân đạt gần 140 triệu đồng/ha/năm. Những diện tích trồng cây hàng hóa giá trị cao đạt bình quân  hơn 200 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Đức Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cơ cấu kinh tế và lao động khu vực nông thôn đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, chủ yếu lao động cao tuổi không có điều kiện chuyển đổi nghề gắn bó với đồng ruộng. Huyện tích cực đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất…

Mục tiêu sản xuất trên đồng ruộng của huyện Lý Nhân trong thời gian tới được xác định là xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, sản xuất hàng hóa đảm bảo hiệu quả bền vững theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo… nhằm góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy