Nông nghiệp Hà Nam dịch chuyển để ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn với những hiện tượng thời tiết cực đoan, như: nắng nóng, lũ, bão, mưa lớn… Điều này tác động và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trên đồng ruộng. Yêu cầu đặt ra là cần có sự chuyển dịch cả về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng để ứng phó hiệu quả với những thay đổi của thời tiết.

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn, tác động nghiêm trọng hơn đến sản xuất trên đồng ruộng. Dịp cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, đợt nắng nóng kéo dài hơn một tuần với nhiệt độ lên đến 40oC xảy ra đúng dịp người dân đang tập trung gieo cấy lúa mùa. Đợt nắng nóng này không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất mà còn làm nhiều diện tích lúa mới cấy bị táp lá, hạn hán.

Trong vụ lúa mùa năm 2017, ngay từ đầu vụ nhiều diện tích lúa, nhất là lúa gieo thẳng bị úng, chết phải gieo lại 2 - 3 lần do ảnh hưởng của mưa lớn, đẩy lùi việc hoàn thành gieo cấy từ 10 - 15 ngày so với khung thời vụ.

Cũng trong vụ mùa 2017, vào nửa đầu tháng 10 đợt mưa, lũ lịch sử đã làm ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến 8.000 ha lúa mùa thu hoạch muộn của các địa phương. Cùng với đó, toàn bộ diện tích cây vụ đông đã trồng bị hỏng phải gieo trồng lại… Thiệt hại cho sản xuất trên đồng ruộng của đợt mưa, lũ đầu tháng 10/2017 lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Tống Ngọc Công, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng - Thủy văn Hà Nam cho biết: Biến đổi khí hậu dẫn đến nắng nóng, mưa úng, lũ, bão gia tăng cả về cường độ và tần suất. Chính vì thế, trong những thời điểm nhất định, khí hậu đang là trở ngại cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trên đồng ruộng.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính tại xã Nhân Khang (Lý Nhân).

Để ứng phó với thay đổi cực đoan của thời tiết, thời gian qua ngành NN & PTNT Hà Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Đối với cơ cấu mùa vụ, vụ lúa xuân gieo cấy 100% diện tích ở trà xuân muộn. Việc cấy lúa xuân được cấy toàn bộ trong trà xuân muộn bảo đảm lúa trỗ xung quanh ngày 5/5, "né" được giai đoạn bất thường của thời tiết và các lứa sâu, bệnh gây hại, nhất là khi lúa trỗ và thu hoạch.

Nổi bật, vụ lúa xuân 2018 vừa qua lịch thời vụ được xây dựng và triển khai chặt chẽ (với lúa gieo thẳng xong trước 15/2, lúa cấy trong tháng 2). Do vậy, các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa từ đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông… đều gặp thời tiết thuận lợi. Đặc biệt, thời điểm thu hoạch không gặp mưa, ruộng khô ráo nên năng suất lúa xuân ước đạt bình quân cả tỉnh hơn 68 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, nhiều giống lúa cho năng suất từ 72 - 73 tạ/ha.

Trong vụ mùa, xu hướng mở rộng diện tích trà lúa mùa sớm để tránh đợt mưa cuối tháng 9, đầu tháng 10 và giúp giải phóng đất cho trồng cây vụ đông hàng hóa sớm. Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Huyện Kim Bảng chỉ đạo rất sát sao, chặt chẽ trong việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để khắc phục những hạn chế và bất thuận của thời tiết.

Cùng với mùa vụ, cơ cấu giống cũng đang có sự thay đổi để ứng phó với bất thường của thời tiết. Đối với giống lúa, ngành nông nghiệp đang có xu hướng đưa những giống mới có khả năng chống úng, hạn, chống đổ tốt; ít bị nhiễm các đối tượng dịch hại vào thay thế cho bộ giống cũ, như: Nam Dương 99, Thiên ưu, Việt hương chiếm…

Hiện nay, ngành tiếp tục xây dựng thêm các mô hình khảo, kiểm nghiệm để có thêm lựa chọn bộ giống cho sản xuất, như: Thục Hưng 12, TH3-7, GS 55, TBR 225, NA6, dòng lúa Nhật J02, Kim Cương 111… Với các loại cây trồng, nhất là rau thực phẩm đang từng bước đưa nhiều loại giống mới như: cây măng tây, củ cải Hàn Quốc, bắp cải xoăn… nhằm nâng cao giá trị, thích ứng hơn với thay đổi của thời tiết.

Gần đây ngành nông nghiệp đang phối hợp với tổ chức Jica (Nhật Bản) đưa tiến bộ ghép cây dưa chuột trên gốc bầu, cà chua ghép trên gốc cà tím… nhằm tăng khả năng chống hạn, chống bệnh héo xanh khi thời tiết bất thuận xảy ra. Ngoài ra, việc chuyển đổi những diện tích đất lúa cốt cao sang trồng cây hàng hóa giúp khắc phục được tình trạng hạn hán, thiếu nước trong mùa vụ.

Đặc biệt, thời gian gần đây tỉnh đang tích cực xây dựng những mô hình nhà kính, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông sản an toàn. Đây là hướng sản xuất giúp hạn chế đáng kể những tác động của thời tiết đến cây trồng…

Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT) đánh giá: Việc chuyển dịch trên đồng ruộng đang giúp sản xuất nông nghiệp ứng phó khá hiệu quả với biến đổi của khí hậu. Tới đây, đơn vị tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và tham mưu với Sở NN & PTNT cùng UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh có thêm những vụ mùa thắng lợi.           

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy