Nhiều khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò sữa

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sau 2 năm thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016-2018, tính đến tháng 8/2018, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 3.140 con, bằng 52,3% kế hoạch và 15,7% theo đề án.

Hộ ông Phan Văn Hưởng ở xã Nhân Bình (Lý Nhân) nuôi bò sữa từ năm 2014, hiện có 33 con bò sữa, trong đó, một nửa giống bò được nhập từ Úc. Ông Hưởng cho biết: Vì chưa đủ diện tích (làm chuồng trại và trồng cây làm thức ăn cho bò), giá sữa không ổn định nên tôi chưa muốn tăng tổng đàn.

Nhân Bình không phải là xã có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa. Chính vì vậy, để phát triển chăn nuôi bền vững, nông dân rất cần sự hỗ trợ của chính quyền xã trong việc tháo gỡ khó khăn về đất đai, hạ tầng sản xuất, vốn vay… để đầu tư chăn nuôi theo hướng ổn định, lâu dài.

Trại nuôi bò sữa của gia đình ông Phan Văn Hưởng, xã Nhân Bình (Lý Nhân).

Huyện Duy Tiên hiện có tổng đàn bò sữa lớn nhất tỉnh, hơn 2.000 con. Dù vậy, Duy Tiên vẫn chưa đạt mục tiêu phát triển tổng đàn theo đề án. Theo ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, khó nhất đối với phát triển đàn bò sữa hiện nay chính là các công ty thu mua quy định chặt chẽ về điều kiện (chất lượng) sữa bò tươi. Trong khi đó, công tác quản lý về phát triển chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, trình độ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của các hộ nông dân cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu không có giải pháp để cải thiện chất lượng sữa bò tươi, nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ bị thiệt thòi lớn khi các công ty đánh tụt giá thu mua sữa bò tươi.

Thời gian qua, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Cụ thể như: tăng cường quản lý, phòng chống dịch bệnh và nhân giống cho bò sữa; hỗ trợ nông dân có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân chăn nuôi bò sữa; hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung, trong vùng quy hoạch…

Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại, vướng mắc. Quá trình tích tụ ruộng đất tại các khu quy hoạch và đất trồng cây làm thức ăn cho bò sữa gặp rất nhiều khó khăn. Quỹ đất phù hợp cho quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa ở tỉnh ta không có nhiều, không có đồng cỏ tự nhiên. Công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi chưa phù hợp với tốc độ phát triển quy mô tổng đàn; trình độ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của người dân còn hạn chế, còn tư tưởng bảo thủ, chủ quan trong chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho bò sữa, dẫn tới chi phí đầu tư tăng cao, năng suất và chất lượng sữa bò tươi chậm được cải thiện.

Các trang trại và hộ nông dân đang thiếu công nghệ bảo quản và chế biến sữa. Số điểm thu mua sữa bò tươi còn ít. Có nhiều hộ phải vận chuyển sữa với quãng đường từ 7-12 km mới tới các trạm thu mua. Chưa có nhà máy chế biến thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông, công nghiệp để cung cấp thức ăn cho bò sữa… Trong khi đó, giá sữa bò tươi giảm đã ảnh hưởng đến tâm lý muốn đầu tư mở rộng chăn nuôi của nông dân.

Từ tháng 6/2016- 5/2017, công ty không ký hợp đồng với các hộ nuôi mới, từ tháng 5/2017 đến nay, chỉ ký hợp đồng thu mua sữa với những hộ có quy mô tổng đàn từ 10 con trở lên. Các hộ nuôi bò phải đăng ký và được nhà máy chấp thuận mới được mua bò. Chăn nuôi bò sữa cần nguồn vốn lớn và kỹ thuật tốt. Những hộ có tiềm năng tài chính, kỹ thuật tốt đã dốc toàn lực đầu tư, có điều, số này không nhiều.

Có thể nói,  tổng đàn bò sữa tăng được trong thời gian qua chủ yếu là từ các hộ có nguồn lực tài chính tốt, đã chăn nuôi bò sữa nhiều năm. Còn những hộ nuôi mới, số lượng bò sữa phát triển thêm không đáng kể… Những yếu tố trên đã và đang tác động trực tiếp đến khả năng mở rộng đàn bò sữa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Xét về khả năng phát triển, cũng như những kết quả đạt được về chăn nuôi bò sữa trong 2 năm gần đây ở các địa phương trong tỉnh, theo Sở NN&PTNT, đến năm 2020, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh khả năng chỉ đạt khoảng 8.000 con.  Số bò sữa nuôi trong khu dân cư quy mô giảm; tăng đàn chủ yếu là tăng tự nhiên do bê được sinh ra từ đàn bò hiện có…

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Trước hết, cần rà soát kế hoạch phát triển đàn bò sữa ở các địa phương, phát triển đàn bò sữa trong các khu quy hoạch. Đồng thời, cần quan tâm đến phát triển giống bò sữa; đào tạo, tập huấn và phòng chống dịch bệnh cho bò sữa; xử lý môi trường trong chăn nuôi; đa dạng các hình thức chế biến, tiêu thụ sữa bò tươi để phục vụ du lịch và đời sống, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình chế biến sữa quy mô nhỏ…

Nếu đạt tổng đàn 15.000 con, bò sữa sẽ đóng góp khoảng 1% trong tổng số 4% mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp hằng năm. Đây là mục tiêu khó nhưng không thể không thực hiện.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy