Nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản thiếu nguyên liệu sản xuất

Doanh nghiệp chế biến nông sản thiếu nguyên liệu, nông dân không ký kết được hợp đồng sản xuất, đó là nghịch lý đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh. Giải pháp nào để mở rộng cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao hiện vẫn là bài toán khó của nhiều địa phương.

Nông dân xóm 5, Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) thu hoạch dưa chuột vụ đông 2016. Ảnh: Thế Tân

So với các tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Hà Nam được đánh giá là địa phương có tiềm năng sản xuất cây trồng hàng hóa để xuất khẩu như: dưa chuột, ngô ngọt, ngô bao tử... Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, diện tích trồng dưa xuất khẩu, ngô ngọt đang có xu hướng giảm mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này gặp vướng mắc về nguồn nguyên liệu.

Ông Khuất Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu rau quả Hội Vũ (Cụm công nghiệp Cầu Giát, Duy Tiên) cho biết: Thị trường xuất khẩu rau quả sang một số nước châu Âu gần đây đang phục hồi tốt, mở ra cơ hội đối với hoạt động xuất khẩu của công ty, nhưng chúng tôi lại đang thiếu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, vụ xuân năm nay doanh nghiệp cần khoảng 2.000 tấn dưa chuột xuất khẩu, song đến thời điểm này mới thu mua được rất ít. Để tạo vùng nguyên liệu, trước đây đơn vị liên kết với một số HTXDVNN trên địa bàn huyện Duy Tiên tổ chức trồng dưa xuất khẩu theo hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, một phần vật tư, sau đó bao tiêu sản phẩm. Vụ xuân năm nay, nhiều HTX ở Duy Tiên, bà con không trồng dưa xuất khẩu, doanh nghiệp phải liên kết với một số HTX ở Lý Nhân, Kim Bảng, tổ chức sản xuất cả ở tỉnh Bắc Giang, song ước thu mua cũng chỉ được hơn 1.000 tấn nguyên liệu đầu vào.

Ông Lê Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Yên Cường cho rằng: Nhiều xã ở Hà Nam, bà con có kinh nghiệm trồng cây xuất khẩu như: dưa, ngô ngọt… rất tốt. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây diện tích trồng dưa giảm mạnh dù hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác.

Được biết, trong vụ xuân năm nay, toàn tỉnh chỉ gieo trồng được hơn 340 ha dưa chuột, đạt gần 90% kế hoạch. Trong đó, huyện Kim Bảng trồng được hơn 183 ha, Lý Nhân 121 ha, Bình Lục 14 ha, Duy Tiên 6,7 ha, Thanh Liêm 2ha, thành phố Phủ Lý 16,5 ha. So với thời điểm cách đây 3 năm, diện tích dưa vụ xuân giảm khoảng 200 ha. Nguyên nhân được các hộ nông dân đưa ra là do trồng dưa vất vả, lại thường xuyên phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều lao động có xu hướng dịch chuyển sang làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Theo tính toán của các hộ dân, trồng một sào dưa xuất khẩu mất 3 tháng, nếu thời tiết thuận lợi thu được từ 1- 1,2 tấn quả, bán với giá 5.500 - 6.000 đồng/kg sẽ được khoảng 6 triệu đồng/sào. Trừ chi phí giống, phân bón, cây que còn gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, có vụ được mùa, dư thừa nguyên liệu, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng sản xuất với bà con song lại "dùng chiêu" ép về kích cỡ sản phẩm, giảm giá thành thu mua dẫn đến thu nhập thấp, một sào chỉ được 2 - 3 triệu đồng. Lao động đến tuổi trưởng thành vào công ty làm việc có thu nhập từ  3,5 - 5 triệu đồng/tháng, so sánh vậy nên nhiều người bỏ trồng dưa, chọn đi làm công nhân.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Tiên cho biết: Thời kỳ cao điểm, Duy Tiên trồng được 28 ha dưa chuột xuất khẩu trong vụ xuân. Nhưng năm nay, diện tích giảm mạnh, chỉ còn 6,7 ha, chủ yếu là trồng giống dưa cung cấp cho thị trường nội địa, dưa chuột xuất khẩu bà con không mấy mặn mà. Lý do không mở rộng được diện tích trồng dưa xuất khẩu, theo ông Thập, một phần là do các khu công nghiệp thu hút lao động vào làm việc, phần còn lại do đầu vụ xuân năm nay phòng chủ động liên hệ đề nghị một số doanh nghiệp trước đây liên kết trồng dưa xuất khẩu về ký hợp đồng với các HTXDVNN nhưng không doanh nghiệp nào về.

Một nghịch lý đang diễn ra, doanh nghiệp đóng ngay trên địa bàn thì thiếu nguyên liệu sản xuất, trong khi đó một số địa phương ở Duy Tiên vẫn có khả năng trồng được dưa chuột nhưng bà con không dám trồng do không ổn định về đầu ra.

Để giải bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp đòi hỏi có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình liên kết sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần bảo đảm thu mua sản phẩm cho bà con theo đúng quy định, tránh tình trạng, được mùa tạo sức ép về giá, không thu mua sản phẩm cho bà con theo quy định, dẫn tới vụ kế tiếp bà con không mặn mà với trồng cây hàng hóa.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy