Người chăn nuôi bò sữa còn “đói” kiến thức chuyên môn sâu

Đối với nhiều hộ nông dân ở Hà Nam hiện nay, chăn nuôi bò sữa (CNBS) không còn mới mẻ. Nhưng thực tế, đa số nông dân vẫn đang “đói” kiến thức, kỹ thuật về CNBS.

Gia đình ông Hoàng Văn Khang ở thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc (Duy Tiên) nuôi bò sữa được 2 năm nay. Ông Khang vẫn thường xuyên học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về CNBS do địa phương phối hợp tổ chức nhưng trải qua thực tiễn, ông Khang nhận thấy những kiến thức mình lượm được chưa thấm tháp gì so với yêu cầu. “Bò sữa thường xuyên mắc bệnh. Không phải là bệnh nguy hiểm, ngay cả những bệnh thông thường nếu không được chữa trị kịp thời, bò cũng chết”, ông Khang cho biết.

Chỉ trong năm 2018, 4 con bò sữa của gia đình ông Khang bị chết vì mắc bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi… Những con bò ốm chết đều do phát hiện và chữa trị bệnh muộn. Ông Khang nói rằng, các hộ CNBS ở đây đều lo nơm nớp mỗi khi dịch bệnh xảy ra. Bởi, không phải người chăn nuôi nào cũng được học, đào tạo bài bản về CNBS. Đa phần các hộ đều vừa làm, vừa học, tự rút kinh nghiệm.

Do nhu cầu phát triển, một số chủ trại bò sữa có quy mô lớn ở Mộc Bắc đã hợp nhau thuê riêng bác sĩ thú y nhằm hạn chế rủi ro từ dịch bệnh gây ra cho đàn bò sữa. Còn đối với những hộ chăn nuôi quy mô từ 15-20 con như gia đình ông Khang vẫn chưa đủ lực để làm việc này.

Đàn bò sữa của gia đình ông Hoàng Văn Khang, xã Mộc Bắc (Duy Tiên). Ảnh: Kim Chi

Mộc Bắc có đàn bò sữa lớn nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Nhiều năm gây dựng, song đến nay, công tác thú y cho bò sữa tại xã Mộc Bắc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chăn nuôi. Lực lượng cán bộ thú y cơ sở chuyên môn sâu về bò sữa chỉ có 4 người, phục vụ nhu cầu trị bệnh cho bò sữa cả trong và ngoài khu vực Mộc Bắc. Vì thế, việc giám sát, theo dõi và phòng, chữa bệnh cho đàn bò sữa ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Nông dân thiếu kỹ thuật, kiến thức về CNBS là trở ngại lớn đối với phát triển CNBS hiện nay. Thực tế đã cho thấy, nhiều hộ chăn nuôi phải chịu rủi ro, thiệt hại. Rủi ro do không bán được sữa khi bò bị bệnh. Nguy cơ bò bị loại thải do mắc bệnh, bò chết tăng lên.

Ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: Chính quyền xã luôn quan tâm đến CNBS. Mộc Bắc cử riêng một cán bộ theo dõi, cập nhật thường xuyên tình trạng về phát triển đàn bò ở trên địa bàn. Định kỳ, xã phối hợp mời cán bộ kỹ thuật về CNBS của tỉnh và kỹ sư đầu ngành về bò sữa tại Trung tâm bò sữa Ba Vì về tập huấn kiến thức cho các hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, người dân chưa thực sự quan tâm và áp dụng tốt những kiến thức đã học được. Nhiều hộ vẫn dựa vào kinh nghiệm và những phương pháp chữa trị truyền thống như nuôi bò thịt…

Giao nguồn tinh bò sữa tại Chi cục Chăn nuôi - Thú y chuyển đến các dẫn tinh viên thụ tinh cho bò sữa. Ảnh: Kim Chi

Năm 2018, ở Hà Nam, cơ quan chức năng không phát hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn bò sữa, song những bệnh thông thường vẫn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi về một số nội dung liên quan đến công tác thú y cho bò sữa, ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) nhận định: Cần phải quan tâm nhiều hơn đến công tác thú y cho bò sữa, không chỉ là vấn đề nhân lực (số cán bộ thú y cơ sở) mà cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác thú y đối với công tác quản lý và tổ chức sản xuất. Lực lượng thú y về bò sữa của tỉnh đang mỏng. Trong số 40 người được đào tạo về lĩnh vực này mới chỉ có 9 người có trình độ chuyên môn tốt.

Ông Đỗ Mạnh Hà khẳng định, người CNBS đang “đói” kiến thức chuyên môn sâu về bò sữa. Tự học là quý, nhưng không thể chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm. Nếu áp dụng quy chuẩn quốc gia đối với cơ sở vắt sữa và thu gom sữa bò trong chăn nuôi (theo Thông tư số 13 của Bộ NN&PTNT) thì không có hộ nông dân nào ở các địa phương trong tỉnh đáp ứng được quy chuẩn về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy định tiêu chuẩn chất lượng sữa của các công ty thu mua đang ngày càng bị thắt chặt. Đó thực sự là những thách thức rất lớn đối với phát triển CNBS nói chung và thú y cho bò sữa nói riêng.

Giải pháp cho vấn đề này, trước hết cần sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển CNBS. Tiếp đó, cần tăng cường đào tạo để bảo đảm tốt yêu cầu về thú y cho bò sữa là yêu cầu quan trọng, cấp bách và các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn sâu về bò sữa. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.       

Huệ Hùng

Huệ Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.