Nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông

Trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm, Hà Nam luôn xác định vụ đông là vụ chính thứ 3 trong năm (cùng với 2 vụ lúa). Do vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống đều có sự gắn kết cả 3 vụ. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm giải phóng đất kịp thời cho gieo trồng cây màu sớm chủ lực của vụ đông.

Ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV (Sở NN & PTNT) đánh giá: Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện rất tốt việc phát triển sản xuất vụ đông, chiếm 50 - 60% diện tích đất 2 lúa, với nhiều loại cây trồng hàng hóa giá trị cao. Thực tế đã chứng minh đây là hướng đi hiệu quả khi vụ đông đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân.

Nông dân xã Văn Xá (Kim Bảng) thu hoạch dưa chuột vụ đông sớm.

Tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân cây vụ đông được trồng trên 70% diện tích đất 2 lúa. Trong đó, tập trung vào những cây hàng hóa chủ lực, như: Bí xanh và bí đỏ gần 200 ha, dưa chuột xuất khẩu 60 ha, ngô nếp gần 60 ha... Mỗi năm, giá trị từ cây vụ đông đem lại cho xã hơn 25 tỷ đồng, bằng hơn 50% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của xã.

Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Nghĩa cho biết: Đối với nông dân Nhân Nghĩa cây vụ đông đem lại thu nhập chính. Do vậy, nhiều năm nay diện tích sản xuất tại xã luôn được duy trì và phát triển theo hướng nâng cao giá trị.

Với huyện Kim Bảng, sản xuất vụ đông luôn được đảng bộ và các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các HTXDVNN đều phải có dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ nông sản hàng hóa vụ đông cho người dân qua việc ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Do vậy, diện tích cây hàng hóa xuất khẩu của huyện được mở rộng hằng năm.

Vụ đông năm 2018, Kim Bảng có kế hoạch gieo trồng hơn 2.570 ha cây vụ đông, chiếm gần 50% diện tích đất lúa. Riêng cây hàng hóa xuất khẩu các loại hơn 600 ha, chủ lực là cây dưa chuột xuất khẩu trên 300 ha, vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh.

Bà Lê Thị Phượng, Phó Trưởng phòng NN & PTNT Kim Bảng cho biết: Cùng với mở rộng diện tích gieo trồng vụ đông, huyện coi phát triển cây hàng hóa xuất khẩu là ưu tiên chính. Đây được coi là một trong những chỉ tiêu thi đua hằng năm và có sự khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt, vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương chưa mở rộng được diện tích cây vụ đông. Huyện Bình Lục đã từng đặt ra mục tiêu xây dựng mỗi thôn, làng có 1 cánh đồng trồng cây vụ đông, nhưng trên thực tế, vụ đông chỉ phát triển đều ở những xã có thế mạnh dọc theo sông Châu: Bình Nghĩa, Đồng Du, Hưng Công... Với những xã trong nội đồng đa phần người dân chỉ sản xuất các loại rau đông ăn lá và mang tính chất nhỏ lẻ không tạo thành vùng tập trung.

Còn tại huyện Thanh Liêm,  hằng năm luôn đặt ra kế hoạch gieo trồng 1.500 ha, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ cho sản xuất, nhưng do nhiều nguyên nhân từ thiếu nguồn lao động, đến tập quán sản xuất... dẫn đến chỉ hoàn thành được 50 - 60% kế hoạch.

Từ thực tế sản xuất cho thấy, để phát triển sản xuất vụ đông cần có các biện pháp cụ thể. Theo đó, với những địa phương có truyền thống và duy trì diện tích sản xuất cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trong đó, hình thành thêm những mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn an toàn. 

Riêng những nơi đang khó khăn trong mở rộng diện tích cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân phát triển trồng cây vụ đông. Tại những nơi này, xây dựng những mô hình sản xuất cây vụ đông hàng hóa, từ đó làm hạt nhân để nhân rộng.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy