Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp

Trước yêu cầu phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp triển khai chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Từ năm 2012-2017, có hơn 2.780 lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu ngành và đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp.

Anh Phạm Văn Thanh ở xã Liêm Cần (Thanh Liêm) đã từng học về trồng nấm. Ước mong khởi nghiệp với một cơ sở trồng nấm khiến anh mất nhiều tâm sức để học hỏi xây dựng mô hình. Nhưng khi vừa bắt tay vào sản xuất, anh Thanh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên đành từ bỏ ước mong bấy lâu của mình.

Anh Thanh chia sẻ: Kiến thức là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất. Tôi muốn học thêm kiến thức ứng dụng công nghệ mới về sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng các chương trình tập huấn ở địa phương không có nội dung này.

Qua phản ánh từ cơ sở, chúng tôi thấy, nhiều lao động được đào tạo về sản xuất nông nghiệp, nhưng việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn đem lại hiệu quả chưa cao. Sau khi được đào tạo, không ít lao động đã chuyển sang làm các ngành nghề khác.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác mô hình sản xuất rau an toàn tại xóm 4, xã Phù Vân (TP. Phủ Lý). Ảnh: Lương Thế

Theo ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng, sự cân bằng, đáp ứng trong cung - cầu đào tạo là rất quan trọng. Trong những năm gần đây, Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng luôn quan tâm đổi mới nội dung và phương thức tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường hoạt động trao đổi, đối thoại với học viên, chú trọng đào tạo kiến thức về cây trồng mới, kỹ thuật sản xuất (cấy máy) để tiệm cận gần hơn với yêu cầu tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Có thể nói, nội dung, phương pháp đào tạo là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung và lao động nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, không phải lúc nào công tác đào tạo cũng đáp ứng được yêu cầu này. Một phần vì quy định danh mục lĩnh vực đào tạo, phần vì kinh phí và các điều kiện phục vụ cho đào tạo còn thiếu thốn. Chính vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp chưa tạo được sức hút đối với nông dân.

Theo quy định của tỉnh về việc ban hành danh mục nghề đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn giai đoạn 2015-2020, danh mục đào tạo nghề gồm có: trồng lúa năng suất cao, ngô, rau an toàn, trồng và nhân giống nấm, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, chẩn đoán bệnh thủy sản, nuôi và phòng trị bệnh cho gà, lợn, trâu, bò.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chú trọng đổi mới phương thức đào tạo, dựa trên tính chất đặc thù và yêu cầu thực tế của công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để lựa chọn các mô hình, cơ sở sản xuất điển hình, phù hợp với nội dung các nghề đào tạo.

Đặc biệt, mô hình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn ở cộng đồng đã có sự phối hợp khá hiệu quả giữa chính quyền cơ sở, trung tâm khuyến nông và các tổ chức chính trị - xã hội… Hoạt động dạy nghề cho nông dân không chỉ có sự vào cuộc của các cơ sở dạy nghề mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp.

Từ năm 2012-2017,Trung tâm Khuyên nông tỉnh đã tổ chức đào tạo và hợp đồng đào tạo được 56 lớp nghề nông nghiệp, cho 2.785 lao động nông thôn. Theo đánh giá, các lớp học đều hoàn thành tốt chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng và yêu cầu đặt ra. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề. Hoạt động điều tra và dự báo nhu cầu học nghề của chính quyền cơ sở chưa phù hợp với cơ cấu lao động theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều nông dân nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề nên không muốn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức.

Sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp thiếu chặt chẽ. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề hiện còn nhiều khó khăn; nguồn kinh phí đầu tư bảo đảm tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề (nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu thực hành) còn hạn chế.

Cũng như các lĩnh vực khác, đối với sản xuất nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển. Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, cần có nguồn nhân lực chất lượng tốt. Điều đó đòi hỏi công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông nghiệp phải được xem trọng và thực hiện hiệu quả, gắn chặt với định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp trong từng giai đoạn và của mỗi địa phương.

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.