Mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi bò sữa

Chăn nuôi bò sữa theo mô hình nông hộ đang là hướng đi phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, song song với việc phát triển quy mô đàn bò, nhiều hộ dân thực hiện tích tụ đất ruộng, chuyển đổi diện tích cấy lúa và trồng màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để đáp ứng nguồn thức ăn thô, thức ăn xanh cho đàn bò.

Chăm sóc bò sữa tại hộ gia đình ông Trần Văn Nam, thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc (Duy Tiên). Ảnh: Khương Doanh

Là một trong những hộ phát triển đàn bò sữa lớn nhất xã Mộc Bắc (Duy Tiên), cuối năm 2017, gia đình ông Trần Văn Nam, thôn Dĩ Phố đã thuê lại đất ruộng của các hộ dân không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn để mở rộng diện tích trồng ngô và cỏ thêm 3ha nữa để cung cấp đủ thức ăn nuôi 40 con bò sữa. 

Đánh giá về hiệu quả mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò, ông Trần Văn Nam khẳng định: Dù không có con số cụ thể để so sánh nhưng qua thực tế cho thấy, việc trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với việc trồng cây màu, cấy lúa và cắt cỏ ngoài tự nhiên hay mua thức ăn ngoài cho bò.

Cỏ có thể trồng được ở mọi chân đất lại không đòi hỏi nhiều công chăm sóc hay yêu cầu kỹ thuật cao. Chỉ cần bón phân và bảo đảm đủ nước tưới là cỏ đã cho năng suất cao. Không giống như lúa hay hoa màu, cỏ rất ít bị sâu bệnh, không sợ bị chuột phá hoại hay thoái hóa giống khi trồng xen với các giống cây trồng khác…

Nông dân xã Nhân Đạo (Lý Nhân) thu hoạch cỏ làm thức ăn cho bò.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Tiên cho biết: Việc trồng cỏ nuôi bò đã mang lại hiệu quả cao, giúp bà con nâng cao thu nhập. Toàn huyện hiện có trên 100 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn trên 1.900 con. Những năm gần đây, quy mô đàn bò của các hộ đã liên tục được tăng lên. Song song với đó, nhu cầu về nguồn thức ăn cho đàn bò cũng cao hơn. 

Còn tại xã Nhân Đạo (Lý Nhân), diện tích trồng cỏ nuôi bò đã được mở rộng lên trên 22 ha, đáp ứng cơ bản nguồn thức ăn cho trên 400 con bò, trong đó, đàn bò sữa có trên 20 con.

Theo các hộ dân trồng cỏ nuôi bò ở Nhân Đạo, trồng cỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô trước đây, bởi cỏ sinh trưởng, phát triển nhanh hơn cây ngô. Ngô thu hoạch theo vụ nên không đáp ứng được thường xuyên nguồn thức ăn cho đàn bò như với cây cỏ. Bình quân mỗi năm, năng suất cỏ đạt trên 300 tấn/ha, đáp ứng cơ bản nguồn thức ăn cho gần chục con bò.

Trồng cỏ cho bò ăn còn giúp các hộ dân yên tâm hơn nguồn cỏ cắt ngoài đồng vì tránh được rủi ro như bò ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ sâu dẫn đến bị đau bụng, tiêu chảy. Bên cạnh việc trồng cỏ, các hộ nuôi bò vẫn phải duy trì một phần diện tích trồng ngô để bảo đảm nhu cầu về tinh bột và bổ sung thức ăn cho đàn bò vào những tháng mùa đông cây cỏ khó mọc do thời tiết hanh khô.

Chuẩn bị nhập trên 50 con bò sữa về nuôi, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ càng các điều kiện về chuồng trại, thời điểm này, gia đình anh Phạm Văn Đỗ, thôn Đồng Nhân, xã Nhân Đạo cũng đã trồng trên 10 mẫu cỏ và 7 mẫu ngô để sẵn sàng nguồn thức ăn cho đàn bò.

Qua trò chuyện với anh Đỗ, được biết, gia đình anh quyết định cung cấp toàn bộ thức ăn xanh từ cỏ và thân cây ngô cho đàn bò để không phải đi cắt cỏ ngoài đồng hay mua thức ăn. Đối với cây cỏ, gia đình anh chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch đến 6-7 năm sau mới phải trồng lại. Vào thời điểm mùa xuân, cây cỏ phát triển tốt, mỗi sào cỏ có thể đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho một con bò mẹ.

Như vậy, mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với các hộ dân có đủ đất, trồng cỏ nuôi bò là hướng đi thích hợp cần được khuyến khích mở rộng tại các địa phương, giúp người chăn nuôi giảm chi phí lao động, tăng số lượng đàn bò.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.