Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông

Đó là trường hợp hộ gia đình anh Trần Văn Thụ, xóm 1, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân.

Ở ven sông Hồng, có thuận lợi về nguồn nước để phát triển nghề nuôi cá lồng, nên từ năm 2014, anh Thụ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Anh cũng là một trong những người đầu tiên của xã đưa giống cá lăng về nuôi thử nghiệm trong lồng trên sông ở Hà Nam.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình anh Trần Văn Thụ, xóm 1, xã Phú Phúc (Lý Nhân).

Ban đầu, anh đã đầu tư trên 500 triệu đồng để làm 8 lồng với diện tích gần 300m2 (bình quân 35m2/lồng) chuyên nuôi cá lăng. Bởi lẽ, qua tìm hiểu anh được biết, cá lăng được thị trường ưa chuộng, giá thành cao, nếu nuôi thành công có thể làm giàu.

Tuy nhiên, do ban đầu còn thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn nên anh Thụ gặp không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế không đạt như mong muốn. Không bỏ cuộc, anh Thụ đã lặn lội vào các tỉnh phía Nam để tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.

Năm 2016, sau khi nắm vững kỹ thuật, anh tiếp tục vay vốn để đầu tư thêm 20 lồng, thả 3 nghìn con cá lăng. Có kiến thức, kinh nghiệm đợt này, lứa đầu tiên anh thu hoạch trên 50 tấn cá thương phẩm, giá bán trung bình từ 80-100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Hiện nay, anh Thụ đã phát triển 48 lồng nuôi cá, dự kiến đến đợt xuất bán năm nay sẽ cho thu hoạch khoảng trên 100 tấn cá, trong đó khoảng 80 tấn cá lăng, số còn lại là cá chép giòn, trắm cỏ và cá diêu hồng. Với giá hiện tại, sau khi trừ chi phí dự kiến lãi từ 450-500 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ của loại cá này chủ yếu là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa. Để thuận tiện cho người tiêu dùng, anh còn đầu tư xe tải, giao hàng tận nơi khi có đơn hàng.

Chia sẻ kinh nghiệm, anh Trần Văn Thụ cho biết: Nuôi cá lồng tuy đầu tư lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các loại cá này được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng sản xuất, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn. Để tháo gỡ khó khăn này, tôi đang vận động một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản, từ đó đề nghị cấp trên tạo nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Bà Trần Thị Thoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phúc cho biết: Mô hình của anh Trần Văn Thụ là một mô hình chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài gia đình anh Thụ, toàn xã hiện nay có 1 HTX nuôi trồng thủy sản, 5 nhóm hộ chăn nuôi thủy sản với gần 200 thành viên tham gia. Trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng 500-600 tấn cá thương phẩm, với giá trị trên 5 tỷ đồng. Chính từ việc phát triển mô hình chăn nuôi thủy sản đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy