Khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Nguồn cung thực phẩm, nhất là thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch tăng cao. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn khó phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Nguyên nhân là do, nhiều sản phẩm không thể truy xuất được nguồn gốc.

Giải pháp cho vấn đề này là cần công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm. Căn cứ theo mã vạch của tem trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần quét mã vạch bằng điện thoại thông minh là xác định được thông số liên quan đến sản phẩm (đơn vị sản xuất, người đóng gói, phân phối, quy trình sản xuất…). Đây cũng chính là giải pháp giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm ở các quy mô khác nhau.

Truy xuất nguồn gốc rau bằng điện thoại di động. Ảnh chụp tại Green Food Hà Nam (TP.Phủ Lý).

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, rất nhiều mặt hàng thực phẩm không có mã vạch, tem nhãn hoặc có thông tin, nhưng lại không đầy đủ, bảo đảm chính xác. Thực trạng này đã diễn ra từ lâu, trở thành phổ biến. Thực phẩm chất lượng bị đẩy vào cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh do không đủ phương tiện bảo hộ, còn thực phẩm bẩn vẫn có cơ hội thâm nhập vào bữa cơm gia đình. Nhiều giải pháp quản lý về chất lượng thực phẩm đã được đưa ra, như vận động, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là xử phạt vi phạm nhằm ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Nhưng xem ra, những giải pháp đó chưa đủ mạnh để giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đã được cơ quan chức năng nhận diện, xử lý.

Điều đáng nói là, từ trước tới nay, các giải pháp đồng bộ để buộc người sản xuất phải thực hiện dán tem, nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được thực hiện, mà chỉ phụ thuộc chủ yếu vào ý thức bảo hộ sản phẩm của người sản xuất. Bà Đào Thị Thúy Ngà, đại diện đơn vị cung cấp sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng chia sẻ: Sản phẩm có tem, nhãn sẽ giúp nhà sản xuất khẳng định sản phẩm của mình, tránh hàng giả, hàng nhái, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Có điều, người sản xuất phải chủ động đầu tư kinh phí.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, một số nhà bán lẻ muốn xây dựng nhãn hàng riêng nên không muốn nhà cung cấp làm thương hiệu sản phẩm thông qua truy xuất nguồn gốc. Theo phản ánh của người tiêu dùng, họ chỉ biết đến nhãn hiệu một số sản phẩm, như bánh đa nem làng Chều, rau Phù Vân, nhưng sản phẩm đó do ai sản xuất, đóng gói lại không có thông tin cụ thể, rõ ràng. Một số ý kiến khác cho rằng, chi phí (giá thành) làm mã code khá cao, vì vậy, nhà sản xuất chưa sẵn sàng đầu tư dán nhãn mác vào sản phẩm. Chỉ những sản phẩm được bày bán trong siêu thị, cửa hàng phân phối mới đáp ứng được cơ bản yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn các kênh tiêu thụ truyền thống vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này.

Trong bối cảnh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu  truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ. Bà Phạm Thị Thơm, người tiêu dùng ở phường Lam Hạ (TP.Phủ Lý) chia sẻ: Ở tỉnh ta, không thiếu trứng gà, thịt gà, thịt lợn ngon, thậm chí là sản phẩm nổi tiếng như gà Móng Tiên Phong. Nhưng rất tiếc, chưa sản phẩm nào có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong khi, trứng gà, trứng chim cút mang thương hiệu Ba Huân, được sản xuất tận trong TP. Hồ Chí Minh lại có mặt tại TP.Phủ Lý, bán với giá cao (4.000 đồng/quả) lại được nhiều người ưa chuộng.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm truy xuất nguồn gốc thực phẩm là xu hướng tất yếu và là sự bảo hộ cần thiết để thực phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bởi, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc sẽ tạo ra sự khác biệt với sản phẩm cùng loại. Thế nên, dù khó đến đâu cũng phải thực hiện. Một số cơ sở sản xuất nông sản sạch ở tỉnh ta hiện nay đang liên kết với Công ty VinEco chủ động gắn tem nhãn trên sản phẩm để chứng minh sản phẩm sạch, chất lượng. Đó cũng là yêu cầu bắt buộc để sản phẩm có mặt trên kệ hệ thống siêu thị của VinEco. Bên cạnh đó, những cơ sở sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap, hoặc VietGap cơ bản cũng quan tâm hơn đến việc dán mác và đóng gói sản phẩm, dù thông tin chưa đầy đủ nhưng đã liên kết được đơn vị phân phối.

Khuyến khích phát triển sản xuất nông sản sạch, làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh ta chủ trương phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm có lợi thế, trên cơ sở xây dựng các mô hình liên kết đa dạng giữa các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất nông sản sạch thông qua hợp đồng kinh tế. UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho đơn vị, cá nhân sản xuất nông sản sạch làm bao bì đóng gói sản phẩm, với định mức số lượng 150 triệu đồng/ mô hình. Có thể nói, cơ chế khuyến khích vừa là động lực thúc đẩy, vừa mang tính chất ràng buộc, yêu cầu đơn vị sản xuất phải sản xuất nông sản sạch, có liên kết sản xuất theo chuỗi và coi trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc khó, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, với một lộ trình phù hợp.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy