Khó quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lại chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Người chăn nuôi đang sử dụng kháng sinh với mục đích phòng, điều trị bệnh và thúc đẩy tăng trưởng cho vật nuôi. Bộ NN&PTNT đã quy định rõ những loại kháng sinh được sử dụng, hạn chế hay cấm sử dụng trong chăn nuôi. Thế nhưng, công tác quản lý lưu hành các loại kháng sinh vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc mua bán, sử dụng kháng sinh quá tự do.

Qua tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi, kháng sinh được dùng với mục đích phòng bệnh, kích thích tăng trưởng nhiều hơn là điều trị bệnh trên gia súc, gia cầm. Có trường hợp, người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh trộn với thức ăn chăn nuôi, theo tỷ lệ khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng cho đàn vật nuôi.

Bà Trần Thị Mến, một trong số ít người chăn nuôi ở xã Văn Xá (Kim Bảng) hiểu rõ những tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Bà Mến cho biết: Người chăn nuôi có thể kiểm soát được lượng thuốc kháng sinh đã dùng để điều trị bệnh cho đàn vật nuôi, nhưng khó là không thể biết trong thức ăn chăn nuôi công nghiệp có phối trộn kháng sinh hay không?

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại của gia đình bà Trần Thị Mến, xã Văn Xá  (Kim Bảng) - một trong những hộ thực hiện tốt quy trình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn.

Theo giới chuyên môn, việc sử dụng với mục đích bổ trợ một lượng kháng sinh liều thấp vào thức ăn, nước uống trong chăn nuôi sẽ diệt được một số vi khuẩn có hại, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, hạn chế phát sinh bệnh cho đàn vật nuôi. Nhưng nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên, với liều lượng cao sẽ dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, chưa kể sẽ để lại những hệ quả về tồn dư kháng sinh trong thực phẩm có hại cho người sử dụng.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đỗ Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT) khẳng định: Có tình trạng sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng cho đàn vật nuôi. Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh chất cấm, kháng sinh dùng cho chăn nuôi trên địa bàn, nhưng chưa phát hiện được trường hợp nào kinh doanh các loại thuốc trong danh mục bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, có phát hiện trường hợp sai phạm trong bảo quản thuốc. Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định.

Quản lý về kinh doanh thuốc kháng sinh không khó, nhưng quản lý việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lại vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là do thuốc kháng sinh hiện vẫn được phép sử dụng, dùng để điều trị bệnh cho đàn vật nuôi. Thế nên, sử dụng thế nào, với mục đích gì đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của người chăn nuôi. Chỉ nói riêng việc người chăn nuôi không tuân thủ đúng quy định về sử dụng kháng sinh, xuất bán khi vật nuôi chưa đào thải hết thuốc, thực phẩm bị tồn dư kháng sinh. 

Đấu tranh với việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là quá trình khó khăn và phức tạp. Cơ quan chuyên môn không thể bao quát toàn diện, thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục việc kinh doanh và sử dụng kháng sinh. Trong khi, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát tới vấn đề này, còn buông lỏng quản lý. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không quản lý chặt chẽ, tình trạng phối trộn kháng sinh với thức ăn chăn nuôi sẽ ngày càng gia tăng. Đây chính là cách người chăn nuôi đưa kháng sinh vào thực phẩm dễ dàng nhất và cũng rất khó kiểm soát.

Từ thực trạng kháng thuốc và kháng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã quyết định "Ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020". Theo kế hoạch này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp, nội dung thực hiện, trong đó có nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh, cũng như nguy cơ hình thành kháng kháng sinh; giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Chủ trương của Bộ NN&PTNT sẽ dần hạn chế sử dụng, tiến tới cấm sử dụng kháng sinh cho mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. Người chăn nuôi, đặc biệt là các chủ trang trại bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nếu không dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn có thể sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho đàn vật nuôi, nhưng với cách thức an toàn và hiệu quả hơn.

Nêu ra quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hà cho biết thêm, chăn nuôi ở tỉnh ta chủ yếu theo quy mô nhỏ, nên công tác quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ rất khó khăn. Vấn đề mấu chốt vẫn phải bắt đầu từ người chăn nuôi. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về tính hai mặt trong sử dụng kháng sinh. Đồng thời, quản lý sử dụng kháng sinh chăn nuôi một cách chặt chẽ.

Có thể nói, cần nhiều giải pháp cho cuộc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Hiện nay, chỉ có các hộ chăn nuôi bò sữa thực hiện tốt việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, vì lo ngại bị thiệt hại về kinh tế nếu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sữa bò tươi do công ty thu mua đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trước hết phải làm tốt việc truy suất nguồn gốc thực phẩm. Sau đó, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để truy suất nguồn gốc thực phẩm dễ dàng; có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Về lâu dài, cần khuyến khích phát triển chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thắt chặt việc mua bán kháng sinh.

Quản lý sử dụng kháng sinh cũng quan trọng như quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không có sự chung tay, vào cuộc của cơ quan chức năng và người chăn nuôi sẽ khó đẩy lùi được tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi như hiện nay.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy