Hướng đến xây dựng thương hiệu lợn sạch Hà Nam

Nhiều năm nay, lợn vẫn là vật nuôi chủ lực, đóng góp khoảng 60-70% giá trị cho ngành chăn nuôi. Duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng chăn nuôi lợn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá thịt lợn bấp bênh. Cơn "bão giá thịt lợn" kéo dài trong nhiều tháng liền cho thấy sự cần thiết phải đổi mới phương thức chăn nuôi nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho con vật nuôi chủ lực này.

Sau thời gian phát triển "nóng" về quy mô tổng đàn dẫn tới dư thừa sản lượng, đầu ra cho lợn thịt gặp nhiều khó khăn. Các hộ chăn nuôi buộc phải tính kế lâu dài. Một số hộ đã thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học làm thức ăn chăn nuôi, cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt lợn chất lượng.

Hơn 2 năm nay, ông Hà Trọng Tuấn, thôn Trác Bút, xã Trác Văn (Duy Tiên) áp dụng phương pháp mới trong chăn nuôi lợn. Ông Tuấn cho biết: Thịt lợn an toàn bảo đảm chất lượng lúc nào cũng được giá. Có thời điểm, mặc dù giá thịt lợn hơi trên thị trường xuống dưới 20 nghìn đồng/kg, nhưng giá thịt lợn này  vẫn duy trì ở mức cao, bình quân 55 nghìn đồng/kg.

Đàn lợn của gia đình ông Hà Trọng Tuấn, xã Trác Văn (Duy Tiên) được nuôi bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: Kim Chi

Được biết, khi lợn đạt trọng lượng hơn 50 kg, ông Tuấn chuyển sang nuôi theo phương pháp hữu cơ. Thay vì sử dụng cám công nghiệp, ông Tuấn sử dụng  ngô, cám gạo, đậu tương, bã đậu, phở vụn, cộng thêm một số loại thảo dược (hổ phục linh, kim ngân, bồ công anh) nghiền nhỏ, phối trộn làm thức ăn cho lợn. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, Trại chăn nuôi Tuấn Trác Văn của gia đình ông Tuấn đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận  đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài bán thịt lợn hơi, Trại chăn nuôi Tuấn Trác Văn còn sản xuất, chế biến một số thực phẩm từ thịt lợn.

Thành lập với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, HTX nông nghiệp sạch V3M ở xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) đang phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín, tự chế biến thức ăn. Nguyên liệu gồm: ngô, cám gạo, khô đỗ tương, gỉ mật men vi sinh, được bổ sung thêm lượng tỏi tươi trong thức ăn tạo sức đề kháng cho lợn.

Người chăn nuôi còn sử dụng giun quế, sâu can xi thay thế cá khô. Các nguyên liệu trên được phối trộn và ủ lên men bằng men vi sinh, tạo ra loại cám tổng hợp, có đầy đủ dưỡng chất cần thiết phục vụ chăn nuôi. Rau xanh làm thức ăn cho chăn nuôi lợn cũng được HTX tự trồng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hiện nay, HTX nông nghiệp sạch V3M duy trì tổng đàn lợn thịt 100 con/lứa. Lợn được giết mổ ngay tại HTX, sơ chế, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm thịt lợn của HTX được bán trên thị trường với giá 190 nghìn đồng/kg, tương đương 120 nghìn/kg lợn hơi, cao hơn 2 lần so với giá thịt lợn hơi được nuôi theo phương thức thông thường.

Theo anh Nguyễn Đại Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch V3M, mặc dù giá lợn sạch khá cao, nhưng HTX vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Điều quan trọng hơn, do chủ động được đầu ra, nên HTX hoàn toàn không bị phụ thuộc vào giá lợn hơi trên thị trường.

Rõ ràng, người chăn nuôi lợn đang muốn tìm hướng đi mới, cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn. Có điều, đây mới chỉ là những mô hình nhỏ, chưa thể trở thành xu hướng, có sức lan tỏa rộng rãi. Nhiều năm nay, huyện Bình Lục phát triển mạnh về chăn nuôi lợn. Bình Lục đang theo đuổi mục tiêu xây dựng thương hiệu lợn sạch Ngọc Lũ. Thế nhưng, địa phương này đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. 61,5% tổng đàn lợn được nuôi trong khu dân cư, khiến cho chính quyền địa phương không thể kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa kể những khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn tập trung, hướng tới xuất khẩu, mới đây, huyện Bình Lục đã lập dự thảo Quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) khu chăn nuôi tập trung tạo vùng nguyên liệu sạch cung cấp cho nhà máy chế biến thịt lợn của Tập đoàn Masan tại xã Ngọc Lũ và xã Bồ Đề.

Mục tiêu thu hút các hộ chăn nuôi nhỏ trên địa bàn vào khu chăn nuôi tập trung, đầu tư chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, có liên kết với doanh nghiệp; tạo vùng nguyên liệu lợn sạch cung cấp cho nhà máy chế biến thịt của Tập đoàn Masan. Quy mô tổng đàn quy hoạch hiện nay là 50 nghìn con/lứa. Đến năm 2020, nâng quy mô tổng đàn lợn thịt lên 100 nghìn con/lứa, sản lượng cung cấp cho nhà máy đạt 200 nghìn con/năm.

Chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn thịt tại một trang trại chăn nuôi ở Kim Bảng. Ảnh: Thành Nam

Vấn đề đặt ra, khi quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung chính là phát triển chăn nuôi lợn phải kết hợp đa mục tiêu, vừa khai thác được nguồn lực chăn nuôi lợn của người dân, vừa bảo đảm ổn định thu nhập cho người chăn nuôi thông qua ký hợp đồng với Tập đoàn Masan. Làm sao để xây dựng được các vùng chăn nuôi có quy mô lớn, nhưng phải giữ được môi trường chăn nuôi sạch sẽ, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chăn nuôi bền vững, lâu dài.

Có thể nói, mô hình thí điểm quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung tại Bình Lục giai đoạn 2018-2020 là một tín hiệu tốt và là cơ sở để hoạch định cho phát triển chăn nuôi lợn ở tỉnh ta. Để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả, rất cần một quy hoạch tổng thể và cơ chế, giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Nhất là giải pháp về công tác quản lý giống vật nuôi, nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo các giống lợn chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến trong quản lý và sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn đến xây dựng, đăng ký, xác nhận cơ sở chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quản lý chất lượng ISO, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm lợn sạch, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thịt lợn Hà Nam trên thị trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Huệ Hùng

Huệ Hùng, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.