Hình thành các mô hình vệ tinh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Đầu tháng 7/2018, khu nhà kính rộng hơn 500m2 của anh Vũ Văn Kha (thôn Cổ Viễn, xã Hưng Công, Bình Lục) được hoàn thành. Khu nhà được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước theo phương pháp nhỏ giọt. Hiện anh Kha đang tiến hành cải tạo đất bằng biện pháp sử dụng phân hữu cơ hoai mục trộn lẫn. Dự kiến khoảng giữa tháng 7, cây giống được đưa về trồng.

Đây là một trong các nhà kính đầu tiên của huyện Bình Lục và của cả tỉnh được xây dựng theo mô hình vệ tinh, liên kết sản xuất với Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Tổng công ty Giống cây trồng Trung ương). Anh Vũ Văn Kha cho biết: Đây là mô hình sản xuất hoàn toàn mới, tôi đầu tư với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.

Trộn phân hữu cơ cải tạo đất tại mô hình nhà kính của anh Vũ Văn Kha, xã Hưng Công (Bình Lục).

Được biết, cùng với khu nhà kính của anh Kha, trên địa bàn huyện Bình Lục còn có 2 mô hình nhà kính cùng có diện tích 500m2 được xây dựng tại xã Bình Nghĩa và xã An Ninh.

Việc xây dựng các khu nhà kính làm vệ tinh sản xuất công nghệ cao này được thực hiện qua Văn bản số 373/UBND-NN&TNMT ngày 12/2/2018. Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm trồng dưa vân lưới trong nhà kính liên kết sản xuất với Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương. Diện tích nhà kính đạt 500 m2/nhà, mức hỗ trợ 250 triệu đồng/mô hình (theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư).

Với mức hỗ trợ của tỉnh bảo đảm hộ sản xuất xây dựng được đầy đủ nhà kính và hệ thống tưới. Tiêu chuẩn nhà kính sản xuất dưa vân lưới công nghệ cao bảo đảm theo đúng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp liên kết. Sau khi đầu tư hạ tầng, các hộ làm mô hình điểm ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Về phía người dân cần tuân thủ đầy đủ các quy trình hướng dẫn sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn.

Qua tìm hiểu được biết, theo hợp đồng doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm dưa vân lưới loại I với giá 30.000 đồng/kg. Tính ra với lượng cây dưa trồng trong 500 m2 nhà kính và cho sản phẩm dưa loại I đạt 70%, sẽ cho thu 25 triệu đồng/lứa. Như vậy, với 4 lứa dưa trong 1 năm sẽ cho giá trị 100 triệu đồng (tương đương 1,8 tỷ đồng/ha/năm).

Ông Đỗ Quyết Thắng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục cho biết: Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá lớn trên đồng ruộng. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, sản phẩm dưa vân lưới công nghệ cao giúp đem lại giá trị cao cho người sản xuất.

Đánh giá về mô hình nhà kính liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở Bình Lục, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cho biết: Đây chính là kết quả của chủ trương đúng đắn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ những mô hình này, trong thời gian tới tỉnh ta sẽ có thêm những mô hình vệ tinh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy