Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa ở Đồng Hoá

Chị Nguyễn Thị Hoa, một trong những hộ dân tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa cho biết, gia đình chị có gần 1 mẫu lúa trong vùng sản xuất liên kết. Năng suất và giá trị lúa xuân năm nay cao hơn hẳn vụ xuân trước. Liên kết sản xuất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cấy bình thường, giúp nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.

Vụ xuân 2018, trên các cánh đồng thực hiện mô hình liên kết của xã Đồng Hóa (Kim Bảng), người dân thuê máy gặt đập liên hợp tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa đã chín. Sau khi nhận lúa từ máy gặt người dân nhanh chóng vận chuyển về điểm thu mua tập trung của các doanh nghiệp.

Nông dân xã Đồng Hóa (Kim Bảng) thu hoạch lúa hàng hóa vụ xuân 2018.

Qua tìm hiểu được biết, xã Đồng Hóa có tổng diện tích gieo cấy 495 ha. Riêng mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa với các doanh nghiệp thực hiện được 90 ha, được gieo cấy ở cánh đồng mẫu và cánh đồng nông sản sạch. Trong đó, hơn 30 ha sản xuất giống lúa Nhật Bản cho Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương, diện tích còn lại sản xuất lúa Nhật Bản thương phẩm cho Công ty TNHH Gia Bảo (Hà Nội). Đây đều là loại lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Có được kết quả như hiện nay, Đảng ủy, UBND xã Đồng Hóa luôn quan tâm chỉ đạo sát sao việc phát triển sản xuất. HTXDVNN Đồng Hóa được giao tổ chức sản xuất cho người dân trong vùng cánh đồng mẫu và cánh đồng nông sản sạch. Hội đồng quản trị HTX đã liên hệ, ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch với giá thỏa thuận đầu vụ. Đối với người dân, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất đã được tập huấn, hướng dẫn và bán sản phẩm cho doanh nghiệp ký hợp đồng từ đầu vụ. Vụ xuân 2018, giá thóc hàng hóa được mua bình quân với giá 7 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng gần 9 nghìn đồng/kg thóc khô, cao hơn thóc chất lượng tương ứng ngoài thị trường từ 1,3 - 1,7 nghìn đồng/kg.

Mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo hình thức liên kết với doanh nghiệp đã được Đồng Hóa thực hiện từ năm 2012. Những năm đầu diện tích sản xuất còn ít, chỉ từ 10 - 20 ha và thu mua theo hình thức thóc khô (người dân thu hoạch về phơi khô trước khi nhập cho doanh nghiệp). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, việc thu mua thóc hàng hóa được doanh nghiệp thay đổi - cân thóc tươi ngay sau khi thu hoạch, giúp người dân không mất công phơi và loại bỏ ảnh hưởng xấu của thời tiết sau thu hoạch. Chính vì vậy, diện tích sản xuất tăng dần mỗi năm. Từ năm 2017, xã duy trì 90 ha mỗi vụ (làm cả lúa giống và lúa hàng hóa thương phẩm).

Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn, ông Đỗ Hoàng Nam, Giám đốc HTXDVNN Đồng Hóa cho biết: Thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa giúp nâng cao hiệu quả trên diện tích gieo cấy. Đây chính là bước đi quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại xã. Hơn nữa, tại các mô hình đều sử dụng những giống lúa ngắn ngày, phù hợp với việc mở rộng diện tích vụ đông hàng hóa giá trị cao trên đất 2 lúa.

Trong vụ mùa 2018, xã Đồng Hoá tiếp tục triển khai liên kết với doanh nghiệp sản xuất 90 ha lúa giống và lúa hàng hóa thương phẩm. Toàn xã phấn đấu đến năm 2020 diện tích lúa hàng hóa thương phẩm được ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp đạt hơn 200 ha. Đồng Hóa đang hướng đến mục tiêu trở thành một trong những vùng trọng điểm phát triển lúa và cây trồng trên đồng ruộng của huyện Kim Bảng.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy