Hiệu quả mô hình HTX chuyên ngành thủy sản

Hiện nay, Hà Nam có khoảng 6.000 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Tại các địa phương đã hình thành 7 khu chăn nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích hơn 675 ha. Đây là điều kiện để hình thành nên các HTX chuyên ngành thuỷ sản, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các hộ chăn nuôi thuỷ sản tại địa phương.

HTX nuôi trồng thủy sản Chân Lý được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017. Từ khi thành lập HTX, sản xuất của khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại khu vực Hồng Lý có sự thay đổi căn bản.

Nổi bật nhất là tại đây xóa bỏ được cách làm manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Thay vào đó, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất cho diện tích hơn 20 ha ao nuôi thủy sản của 11 thành viên.

Quá trình sản xuất HTX chịu trách nhiệm liên hệ với doanh nghiệp cung cấp thức ăn trực tiếp cho người sản xuất không phải qua các đại lý trung gian, giúp giảm giá thành và thức ăn bảo đảm chất lượng hơn. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm thủy sản cũng được HTX lo tìm mối tiêu thụ, không để tư thương đến mua ép giá.

Ông Ngô Văn Loan, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Chân Lý cho biết: HTX được thành lập dựa trên tinh thần tự nguyện của các thành viên nhằm tạo sự gắn kết thúc đẩy sản xuất. Do vậy, hoạt động của HTX đều hướng đến đem lại thuận lợi và lợi ích cho xã viên trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình bác Nguyễn Văn Bội ở xã Chân Lý (Lý Nhân).

Thời gian qua, xã Văn Xá (Kim Bảng) cũng đã thành lập được HTX chuyên ngành nuôi trồng thủy sản. Với 15 thành viên, trên diện tích 11 ha mặt nước, HTX nuôi trồng thủy sản Văn Xá đã tổ chức hỗ trợ sản xuất đồng bộ từ cung ứng thức ăn, con giống, lựa chọn thời điểm thả giống, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, diện tích sản xuất của HTX đều phát huy tốt hiệu quả.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN & PTNT) đánh giá: Mô hình HTX chuyên ngành thủy sản được thành lập từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất tại các khu nuôi trồng thủy sản. Trong đó, rõ nét nhất là hỗ trợ xã viên các dịch vụ phục vụ sản xuất (con giống, thức ăn) và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Hà Nam có khoảng 6.000 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, gồm cả ao, hồ, đầm và diện tích ruộng trũng chuyển đổi theo hình thức sản xuất đa canh. Đặc biệt, đã có 7 khu chăn nuôi thủy sản tập trung được xây dựng với tổng diện tích hơn 675 ha, trong đó có 500 ha mặt nước nuôi trồng, chiếm khoảng gần 10% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Trước đây, tại một số khu nuôi trồng thủy sản tập trung đã thành lập được các HTX chuyên ngành, như: xã Mỹ Thọ (Bình Lục), Khả Phong (Kim Bảng)... Tuy nhiên, việc hỗ trợ sản xuất cho xã viên của các HTX này còn hạn chế. Do vậy, không phát huy được hiệu quả đối với diện tích nuôi thủy sản. Từ nhiều lý do, hiện nay các HTX này đều ngừng hoạt động.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX chuyên ngành nuôi trồng thủy sản kiểu mới dựa trên sự tự nguyện của các thành viên. Nguồn vốn, quỹ do các thành viên tự nguyện đóng góp để duy trì và phát triển hoạt động của HTX.

Theo kế hoạch, tới đây sẽ thành lập 9 HTX chuyên ngành nuôi trồng thủy sản kiểu mới ở 7 khu nuôi trồng thuỷ sản (riêng khu Văn Xá - Kim Bình - Hoàng Tây thành lập ở mỗi xã 1 HTX).

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, khi thành lập các HTX chuyên ngành thủy sản kiểu mới sẽ gắn kết và phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên. Từ đó, giúp các HTX hoạt động hiệu quả và thực sự là cầu nối tạo sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.