Mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) có hệ sinh thái đa dạng, sản xuất nông nghiệp tổng hợp khép kín bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mô hình VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có chung điều kiện của vùng đất thuần nông, giống như bao gia đình khác, trước đây sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Lương Văn Vương (thôn Mai Cầu) chỉ dựa vào làm ruộng, thu nhập từ nghề nông chỉ đủ trang trải cho gia đình. Với ý chí và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh đã quy hoạch phát triển: Vườn cây ăn quả, ao cá, chuồng trại nuôi gà. Mô hình của anh bước đầu đã đạt được thành công nhất định.
Mô hình của gia đình anh Vương có diện tích ao cá rộng hơn 3.600m2 nuôi cá chép, trắm; xung quanh trồng gần 6.500m2 cây ăn quả, cỏ voi; còn lại hơn 1.500m2 xây dựng chuồng trại để nuôi hơn 2.000 con gia cầm (giống gà mía và ngan). Để tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng, toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được anh Vương xử lý bằng hệ thống bể trộn các loại men vi sinh làm cho phân hủy nhanh hơn, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng gây mùi hôi. Phân chuồng được ủ hoai mục sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, giúp đất trở nên màu mỡ hơn.
Anh Vương chia sẻ: “Năm 2017, sau khi tiếp quản trang trại từ một người quen tôi nhận thấy việc phát triển mô hình sinh thái VAC là hướng đi phù hợp. Điểm lợi của mô hình VAC là người chăn nuôi có thể tận dụng triệt để nguồn nước, thức ăn, các loại chất thải để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi đã có cơ hội tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi, ngoài ra tôi còn mượn thêm vốn từ người thân để cải tạo, sửa chữa chuồng, trại theo đúng quy chuẩn”. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi anh Vương đã thành công với mô hình VAC của mình. Hằng năm sau khi trừ các khoản chi phí mô hình đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Mô hình VAC của anh Nguyễn Hải Hinh, thôn Thượng xã Thanh Nguyên rộng khoảng 1ha. Năm 2015, sẵn đang có 5 sào ruộng của gia đình, anh Hinh thuê thêm đất của những hộ dân xung quanh để cải tạo làm mô hình VAC. Anh đầu tư xây dựng chuồng trại, ao nuôi, vườn cây, rồi tìm và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Tổng chi phí đầu tư ban đầu ước đạt khoảng 1 tỷ đồng. Theo anh Hinh: Vườn cung cấp các loại thức ăn cho chăn nuôi, ngược lại chuồng cung cấp phân bón (chất thải gia cầm) cho cây trồng trong vườn. Ao cung cấp nước tưới, bùn cho cây trồng. Ngoài ra, nhiều loại trái cây hư hỏng trong vườn được tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá trong ao đã giúp giảm chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ tham gia các buổi tập huấn, trực tiếp đi nhiều nơi tham quan các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế... mô hình VAC của anh Hinh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong vườn anh trồng rau màu, cây ăn quả như mít, ổi, na…, trong chuồng gà lúc nào cũng có hơn 100 con, dưới ao có khoảng 500kg cá các loại như trắm, chép, rô phi… Mô hình VAC đem lại khoản thu khoảng 200 triệu đồng/năm.
Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp khép kín hiện đang được nhân rộng và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân xã Thanh Nguyên. Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nguyên cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 7 hộ tham gia mô hình VAC với diện tích từ 1 – 2 ha. Mô hình VAC là hình thức canh tác truyền thống, gần gũi đối với người dân tại địa phương, đem lại lợi ích rõ rệt. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ thường xuyên phối hợp với các ban ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật ứng dụng khoa học – kỹ thuật, phát triển đa cây, đa con, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, dần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bùi Linh