Ghi nhận ở Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Bạc Làng

Với mục đích tập hợp hội viên phụ nữ trồng rau màu vào sản xuất tập trung, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm và bảo vệ môi trường, cuối năm 2017, Hội Phụ nữ xã Thanh Tân (Thanh Liêm) đã vận động chị em thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn tại thôn Bạc Làng. Đến nay, tổ hợp đã bước đầu cho thấy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể.

Với diện tích trên 1ha tại cánh đồng Bồi, THT trồng rau an toàn thôn Bạc Làng thu hút 6 hộ dân trong thôn tham gia sản xuất. Để thuận tiện cho việc sản xuất, gieo trồng và thu hoạch rau, ngay sau khi mới thành lập THT, các thành viên trong tổ đã thực hiện chuyển đổi ruộng, ghép ruộng để liền vùng, liền thửa. Hiện, hộ nhiều thì có 8 sào, hộ ít trồng 1-2 sào rau các loại.

Nói về hiệu quả sản xuất của THT, bà Lưu Thị Tươi, Tổ trưởng THT cho biết: Không giống như trước đây, bà con chỉ trồng rau theo thói quen, kinh nghiệm, tham gia THT, các thành viên đã được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn để bảo đảm sức khỏe của chính bản thân và người tiêu dùng.

Cùng với đó, cam kết tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về quá trình trồng, từ khâu làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đến nguồn nước tưới; thực hiện tốt thời gian cách ly khi phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch…

Rau, củ, quả của THT đã được nhiều khách hàng tin tưởng, sử dụng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay, rau được tiêu thụ chủ yếu tại cửa hàng rau sạch trên địa bàn huyện và bán cho một số công ty trong vùng.

Theo tính toán của các thành viên THT trồng rau an toàn ở xã Thanh Tân, trồng rau an toàn cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với rau thông thường trước đây.

Ngoài vai trò là Tổ trưởng THT, bà Tươi còn là thành viên có diện tích trồng rau an toàn lên tới 8 sào. Mùa nào thức ấy, lúc nào bà Tươi cũng có rau sạch để bán từ bắp cải, su hào, cà chua đến bí đao, bí đỏ, mướp, hành, rau cải, đậu...

Bà Tươi cho biết: Xác định trồng rau để bán cho bà con nhưng cũng là để ăn nên gia đình tôi luôn bảo đảm đúng quy trình của trồng rau an toàn. Tôi chỉ bón phân, đạm giai đoạn đầu, còn khi cây đã cho quả và rau sắp thu hoạch thì chỉ tưới nước sạch. Hiệu quả thấy rõ mà mô hình trồng rau an toàn mang lại chính là việc giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng phân và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Dù mới được triển khai nhưng mô hình THT sản xuất rau an toàn ở xã Thanh Tân đã bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Việc tích tụ ruộng đất đã quy tụ nông dân cùng nhau sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu liên kết trong sản xuất nông nghiệp sạch.

Theo tính toán của các thành viên THT, trồng rau an toàn cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với rau thông thường. Đặc biệt, sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng đến thu mua hết đến đó.

Ước tính bình quân, mỗi sào rau an toàn cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí). Từ hiệu quả mang lại, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy