Dưa xuân được mùa, giảm giá

Vụ xuân năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 381 ha dưa chuột xuất khẩu, vượt 12,5% kế hoạch. Trong đó, huyện Kim Bảng 201 ha, Lý Nhân gần 140 ha, thành phố Phủ Lý hơn 20 ha… Dưa chuột xuất khẩu ở vào tình cảnh: được mùa, mất giá. Nguyên nhân là do sản xuất thiếu quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Diện tích gieo trồng không đồng đều và không theo nhu cầu chế biến.

Vụ xuân năm nay gia đình bác Trần Thị Hồng, thôn Thượng Nông, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) trồng 1,2 sào dưa chuột xuất khẩu hiện đã cho thu nhập hơn 10 triệu đồng,  giảm tới hơn 10% so với vụ xuân trước do giá dưa xuống thấp. Để dưa chuột đỡ mất giá, bác Hồng thường xuyên có mặt trên ruộng thu hái quả bảo đảm đạt đúng tiêu chuẩn loại 1 (dưa 4 - 6 cm).

Bác Trần Thị Hồng cho biết: Dưa chuột xuất khẩu vụ xuân năm nay chỉ được giá vài ngày đầu, sau đó xuống giá khá nhanh. Bình quân mỗi loại dưa giảm 1.000 đồng/kg, nhà máy lại lấy rất chặt về chất lượng. Do diện tích trồng không nhiều nên tôi cố gắng lấy đúng dưa loại 1, nếu bị đánh xuống loại 2 hoặc loại 3 thì thu nhập giảm đi nhiều.

Thu mua dưa chuột xuất khẩu tại đại lý của chị Cao Thị Hạnh, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân).

Vụ này, xã Nhân Nghĩa gieo trồng gần 40ha dưa chuột xuất khẩu, tăng khoảng 10 ha so với vụ xuân trước. Có nhiều hộ trồng từ 8 sào đến 1 mẫu dưa chuột xuất khẩu. Cây dưa chuột xuất khẩu đã cho thu hoạch được 1 tháng và đang cho quả rộ, bình quân mỗi sào đã thu được hơn 1 tấn quả, tăng 10 - 15% năng suất so với vụ xuân 2017.

Thời gian cây dưa tiếp tục cho thu còn khoảng gần 1 tháng. Tuy vậy, khoảng 3 tuần trở lại đây giá dưa thu mua tại các đại lý trên địa bàn xuống thấp. Dưa loại 1 đang được thu mua ở mức 6 nghìn đồng/kg, thấp hơn 1 nghìn đồng/kg so với đầu vụ và 3 nghìn đồng/kg so với vụ xuân trước; dưa loại 2 còn 4 nghìn đồng/kg, loại 3 còn 2 nghìn đồng/kg. Dưa quá to trước còn bán được hơn 1 nghìn đồng/kg nay chỉ còn 500 đồng/kg, thậm chí, những ngày thu nhiều đại lý không nhập dưa quá to.

Mặc dù biết dưa loại 2, loại 3 giá rất thấp nhưng nhiều hộ không thể lấy dưa cỡ nhỏ do diện tích trồng nhiều, thiếu lao động. Theo người dân nơi đây, vụ trước nhà máy nhập cả quả to và giá vẫn cao nên vụ này dù ít lao động nhiều hộ vẫn mở rộng diện tích trồng dưa.

Đại lý của chị Cao Thị Hạnh trên địa bàn xã Nhân Nghĩa thu mua phần lớn dưa chuột xuất khẩu ở các xã trong huyện Lý Nhân (Nhân Đạo, Nhân Hưng, Bắc Lý, Nhân Nghĩa, Nhân Bình…). Vụ này, dưa chuột xuất khẩu rất nhiều, có những ngày lượng dưa đưa về nhập cho đại lý của chị lên đến 80 tấn, tăng 50 tấn so với những vụ trước.

Theo chị Hạnh, nguồn nguyên liệu dưa cho chế biến xuất khẩu nhiều nên các nhà máy "ép" rất chặt về chất lượng, giá lại điều chỉnh xuống. Dưa về quá nhiều không cung cấp hết cho nhà máy, chị Hạnh phải chọn loại dưa to bán ra thị trường chịu lỗ đến 1.000 đồng/kg (mua 2.000 đồng/kg, bán ra 1.000 đồng/kg).    

Dưa chuột xuất khẩu được mùa, xuống giá hiện đang là tình trạng chung ở các địa phương trong tỉnh. Tại xã Văn Xá (Kim Bảng), vụ xuân năm nay trồng 23 ha dưa chuột xuất khẩu, tăng 10 ha so với vụ xuân trước. Đầu vụ, cả doanh nghiệp và các đại lý thu mua trên địa bàn đều có thỏa thuận liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với người dân. Mặc dù vậy, giá thu mua dưa chuột xuất khẩu đang ở mức 5 nghìn đồng/kg, giảm 1,5 nghìn đồng so với đầu vụ.

Theo lý giải của các đại lý thu mua, giá dưa loại 1 không thay đổi so với giá thỏa thuận ban đầu, tuy nhiên do nhà máy yêu cầu chặt về chất lượng, dưa của bà con lấy to hơn nên phải giảm giá vì không bảo đảm kích cỡ. Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN Văn Xá đánh giá: Dưa xuân năm nay được mùa, bình quân năng suất đạt hơn 1 tấn quả/sào. Tuy nhiên, do giá dưa giảm nên tính giá trị cũng chỉ đạt tương đương với vụ xuân trước.

Vụ xuân năm nay toàn tỉnh gieo trồng được 381 ha dưa chuột xuất khẩu, vượt 12,5% kế hoạch. Trong đó, huyện Kim Bảng 201 ha, Lý Nhân gần 140 ha, thành phố Phủ Lý hơn 20 ha… Dưa chuột xuất khẩu ở vào tình cảnh: được mùa, mất giá. Nguyên nhân là do sản xuất thiếu quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Diện tích gieo trồng không đồng đều và không theo nhu cầu chế biến.

Nếu vụ này giá dưa tăng cao, vụ sau người dân sẽ mở rộng diện tích. Ngược lại, nếu vụ dưa năm nay giá xuống thấp vụ sau sẽ thu hẹp sản xuất… Và nhiều xã chưa có sự liên kết giữa sản xuất và chế biến.

Ở Lý Nhân chỉ duy nhất có xã Chân Lý, nơi có các cơ sở chế biến là ký hợp đồng trực tiếp với người sản xuất (giá vẫn bảo đảm trong cả vụ). Ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, chuyên chế biến dưa chuột xuất khẩu đóng lọ tại xã Chân Lý (Lý Nhân) cho biết: Chúng tôi rất muốn ký hợp đồng với người dân để ổn định nguồn nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu theo nhu cầu sản xuất, bảo đảm giá cả trong cả mùa. Tuy nhiên, việc liên kết mới chỉ thực hiện được trên địa bàn xã Chân Lý, rất khó mở rộng vì người dân những nơi khác quen với thị trường tự do, lại chưa có sự vào cuộc thực sự của chính quyền cơ sở nên rất dễ bị phá vỡ hợp đồng.

Để không còn tình trạng được mùa  mất giá, ngoài kế hoạch sản xuất cụ thể cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến thông qua hợp đồng. Có như thế sản xuất mới ổn định và bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy