Đã khắc phục được tình trạng ngập úng trong các KCN

Sau khi nhiều nhà đầu tư bày tỏ ý kiến lo ngại về tình trạng ngập úng xảy ra tại các KCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc giải quyết. Đến nay, qua kiểm chứng trong đợt mưa lớn vừa qua, tình trạng ngập úng trong các KCN đã được khắc phục, bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo tổng hợp của các ngành chức năng, vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2018, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có lượng mưa lớn kéo dài, trong đó điểm cao nhất đạt hơn 800 mm; riêng tại các KCN khoảng 400 - 500 mm.

Với lượng mưa này, vào những năm trước đã gây ra ngập úng ở KCN Đồng Văn I, II và KCN Châu Sơn, nhưng trong mùa mưa năm nay tình trạng ngập úng đã không còn xảy ra. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc cải tạo hệ thống thủy lợi, kịp thời tiêu thoát nước cho KCN.

Ông Lại Minh Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Văn cho biết: Tại cổng của chi nhánh trước đây cứ mưa lớn kéo dài liên tục khoảng hơn 1 giờ đã gây ngập úng, có lần nước dâng cao tràn cả vào sân của một số nhà máy trong khu vực, công nhân phải nghỉ việc, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và gây ô nhiễm môi trường.

Khi nhà nước đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi, tình trạng ngập úng đã được khắc phục, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi mưa lớn kéo dài, một số tuyến đường trong KCN vẫn thoát nước chậm, nên các ngành cần phải tính toán cải tạo cả hệ thống đường cống tiêu thoát nước trong KCN.

Sau khi trạm bơm Hoành Uyển được nâng công suất đã giúp tiêu thoát nước nhanh cho KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Ảnh: Mạnh Hùng

Theo khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, KCN Đồng Văn I, II có diện tích khoảng 500 ha, xả thải ra 29 cửa trên kênh A46, A48 và hệ thống tiêu thoát phụ thuộc vào trạm bơm Bùi Xá 1, Bùi Xá 2, trạm bơm Hoành Uyển.

Do các trạm bơm này được xây dựng cách đây hàng chục năm để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên khi xây dựng KCN Đồng Văn I, II năng lực tiêu thoát nước không còn phù hợp, thường xuyên quá tải.

Cụ thể, năng lực đầu mối tiêu ở KCN Đồng Văn I, II khi sử dụng các máy bơm cũ chỉ đạt 5,36 lít/giây/ha, trong khi đó nhu cầu hiện tại phải đạt 18 lít/giây/ha. Hơn nữa, việc tiêu thoát nước mặt trong KCN và khu vực nội đồng vẫn chung một hệ thống đều chảy ra các kênh A46, A48…, trong khi đó kênh A46, A48 do lâu ngày chưa được nạo vét, bị bồi lắng, cộng với người dân lấn chiếm đã làm cản trở dòng chảy.

Khi hệ thống thủy lợi không đáp ứng yêu cầu, mưa lớn kéo dài đã làm cho KCN Đồng Văn I, II ngập sâu trong nước, trong đó vị trí ngập sâu nước là KCN Đồng Văn II, có thời điểm nước tràn cả vào trạm biến áp điện, doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc. Nhiều lần các doanh nghiệp đã có ý kiến đề xuất UBND tỉnh giải quyết, để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Không còn tình trạng ngập úng ở KCN Đồng Văn II

Trước tình trạng mưa lớn gây ngập úng cho KCN Đồng Văn II trong mùa mưa năm nay, Công ty cổ phần phát triển Hà Nam (đơn vị đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN) đã cho lắp đặt 15 máy bơm dã chiến để chống úng cho KCN. Về lâu dài doanh nghiệp xây dựng 3 trạm bơm, có công suất 23.000 m3/giờ, phục vụ tiêu thoát nước cho KCN Đồng Văn II. Do vậy, trong đợt mưa kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2018, ở KCN Đồng Văn II không còn xảy ra ngập úng và tôi khẳng định sẽ không còn ngập úng tại KCN Đồng Văn II khi có mưa lớn.

(Ông Phạm Như Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Hà Nam)

Trên cơ sở khảo sát thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện giải pháp: Xây mới nâng công suất trạm bơm Bùi Xá 1, Bùi Xá 2; nâng công suất trạm bơm Hoành Uyển 2, nạo vét kênh A46, A48. Theo đó, trạm bơm Bùi Xá 1 xây mới có công suất 20.000 m3/giờ (bao gồm 5 máy, mỗi máy 4.000 m3/giờ), tăng 11.000 m3 so với công suất của trạm bơm cũ.

Trạm bơm Bùi Xá 2 cũng được xây mới bao gồm 5 máy, mỗi máy 4.000 m3/giờ, tăng 11.000 m3 so với trước đây. Trạm bơm Hoành Uyển bổ sung 4 máy có công suất 16.000 m3/giờ. Ngoài ra, để tạo nguồn cho các trạm bơm trên, tỉnh đã cho nạo vét kênh A46, khơi thông một số vị trí trên kênh A48 bảo đảm tiêu thoát nước nhanh, chống ngập cho KCN Đồng Văn I,II.

Riêng tại KCN Đồng Văn II, do cốt nền thấp hơn KCN Đồng Văn I nên trong đợt mưa vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng đã phải lắp đặt trạm bơm dã chiến, bơm nước tiêu thoát cho KCN. Về lâu dài, sẽ cải tạo mở rộng đường cống tiêu thoát từ KCN Đồng Văn II kết nối với hệ thống kênh tiêu trong khu vực.

Cần quan tâm cải tạo hệ thống thoát nước KCN Đồng Văn I

Khi đã đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi ngoài KCN, thì hệ thống tiêu thoát nước trong KCN cũng cần được cải tạo và thường xuyên nạo vét khơi thông. Cụ thể, đợt mưa cao điểm nhất tại khu vực KCN Đồng Văn I vào cuối năm 2017, lên đến hơn 371 mm/ngày, trong đó vào thời điểm mưa liên tục lượng nước ngập sâu đến cổ cây lúa và nhiều tuyến đường trong KCN Đồng Văn I bị ngập sâu nước. Tuy nhiên, có thời điểm mực nước từ cống nước thải ở KCN Đồng Văn ra các kênh vẫn chênh nhau khoảng 15 - 20cm, trong khi đó đường nội bộ trong các KCN vẫn bị ngập. Như vậy, cuối nguồn xả thải ở KCN vẫn còn khả năng để tiêu thoát nước, trong khi đó đầu nguồn vẫn ngập úng chứng tỏ hệ thống hạ tầng tiêu thoát nước mặt của KCN Đồng Văn I không tiêu kịp khi lượng mưa quá lớn.

(Ông Kiều Viết Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Duy Tiên)

Để chống ngập trong KCN Châu Sơn và một phần thành phố Phủ Lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cấp trạm bơm Thanh Nộn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) với 2 máy, công suất 2.500 m3/giờ/máy. Tổng nguồn vốn khắc phục ngập úng trong KCN Đồng Văn I, II, Châu Sơn ước khoảng gần 100 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam cho biết: Do tiến độ thi công các công trình cấp bách, bảo đảm trong khoảng 6 tháng là phải bơm được nước, nên đơn vị đã phối hợp với nhà thầu thi công công trình đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án song vẫn phải bảo đảm đúng quy trình thi công.

Đến cuối tháng 6, các trạm bơm đã được lắp đặt xong, bảo đảm đưa vào hoạt động kịp thời, tiêu thoát nước trong đợt mưa lớn vừa qua, không còn tình trạng ngập úng tại các KCN như những năm trước. Trong thời gian tới, đơn vị chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công công trình xây dựng các hạng mục còn lại, bảo đảm sớm hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, việc tiêu thoát nước cho KCN chung với hệ thống nội đồng, do vậy ngoài việc cải tạo hệ thống thủy lợi xung quanh KCN, đòi hỏi các ngành chức năng phải tiếp tục nạo vét, nâng cấp hệ thống cống thoát nước trong KCN, để không xảy ra tình trạng nước cuối nguồn thì rút nhanh, trong khi đó nước trong KCN tiêu thoát chậm.

Trần Thoan

Trần Thoan, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy