Nuôi cá lồng trên sông Hồng trở thành hướng đi đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình. Toàn tỉnh hiện có tổng số 560 lồng nuôi cá của các hộ và nhóm hộ, tập trung tại các xã: Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); Phú Phúc, Trần Hưng Đạo (Lý Nhân). Tuy nhiên, nuôi cá lồng trên sông Hồng cũng có nguy cơ rủi ro rất lớn mỗi khi mùa lũ, bão về, nếu người nuôi không có biện pháp chủ động phòng, chống bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất.
Nhìn lại năm 2018, khi lũ trên sông Hồng lên cao đã làm khu lồng bè với 12 lồng nuôi cá của anh Nguyễn Trường Hợp, thôn Yên Lệnh, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) bị đứt dây néo trôi toàn bộ ra sông dạt vào bãi phía tỉnh Thái Bình cách nhà 5 – 7 km. Lưới lồng cá cũng bị các cây gỗ trôi theo dòng lũ đâm thủng, lượng cá nuôi trong lồng lên đến hàng chục tấn, chủ yếu là cá lăng chuẩn bị xuất bán gần như mất hết. Sau đó, anh Hợp phải trông coi đến hết đợt lũ mới thuê thuyền kéo về làm lại. Tổng thiệt hại do đợt lũ gây ra lên đến cả trăm triệu đồng. Trước đó, năm 2016 trận bão xảy ra đã hất tung cả khu lồng bè nuôi cá trên sông Hồng của 1 hộ dân tại xã Nhân Đạo (nay là xã Trần Hưng Đạo), huyện Lý Nhân lên bờ gây thiệt hại lớn…
Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Nuôi cá lồng trên sông Hồng thuận lợi do dòng nước luân chuyển thường xuyên, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, nhất là trong mùa lũ, bão. Vì thế, việc chủ động phòng chống là rất cần thiết và phải được coi trọng.
Thời gian gần đây, để bảo đảm an toàn cho hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng, người dân đã chủ động các biện pháp phòng, chống ngay từ khi chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão. Các hộ đều đầu tư gia cố chắc chắn cho lồng bè, tránh bị trôi, lật khi có lũ, bão lớn. Vào mùa bão, lũ, ông Trần Trọng Sản, xã Phú Phúc (Lý Nhân) đã tăng gấp 2 lần lượng dây chão níu lồng bè. Đồng thời, hàn các cây sắt vào mạn lồng bè cố định với bờ sông. Ông Sản sử dụng mỏ neo chuyên dụng của thuyền lớn để định vị lồng bè…
Với anh Nguyễn Trường Hợp từ kinh nghiệm của đợt thiệt hại trước đã kéo lồng vào sát bờ, sử dụng 4 mỏ neo định vị phía mạn ngoài lòng sông. Đồng thời, anh tăng cường thêm 4 dây chão chuyên dụng để chằng, giữ lồng bè. Anh Hợp sử dụng các bó luồng chắn phía ngoài lồng bè tránh gỗ trôi theo lũ về đâm trực tiếp vào lưới lồng nuôi cá.
Anh Hợp chia sẻ: Qua lần thiệt hại trước đây, khi vào mùa bão, lũ tôi luôn chú ý bảo đảm chắc chắn cho lồng bè. Hiện lượng cá nuôi trong lồng của gia đình nhiều hơn trước với tổng số khoảng hơn 25 tấn cá nên càng phải bảo vệ tốt hơn, vì nếu xảy ra rủi ro dễ dẫn đến phá sản…
Về phía chính quyền các địa phương có hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng cũng quan tâm đến công tác phòng chống lũ, bão. Ví như, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) đã đưa việc bảo vệ sản xuất của người dân trên sông Hồng vào phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã để chủ động ứng phó, hỗ trợ người dân. Tại xã Phú Phúc, nơi có trên 220 lồng nuôi cá trên sông Hồng, chính quyền thường xuyên tiến hành kiểm tra sản xuất để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người dân đầu tư gia cố, chằng chống, bảo đảm an toàn cho lồng bè nuôi cá. Xã cũng bố trí lực lượng xung kích tại địa phương sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người dân di dời tài sản trên sông đến nơi an toàn khi có tình huống xấu về thiên tai xảy ra.
Nuôi cá lồng trên sông Hồng đóng góp mỗi năm khoảng trên 1.000 tấn cá vào sản lượng thủy sản chung của tỉnh. Do điều kiện thuận lợi về nguồn nước, các loại cá được lựa chọn nuôi đều có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá ngạnh, cá diêu hồng, cá chép lai, rô phi đơn tính… Giá trị của mỗi lồng cá bình quân lên đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, các hộ dân cũng như các địa phương cần có sự chủ động phòng, chống nhằm bảo đảm an toàn sản xuất, nhất là trong mùa mưa, bão.
Thành Nam