Cần quan tâm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cho các HTX

Đối với các HTX, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh không chỉ là mục tiêu, mà còn là giải pháp để nâng cao lợi nhuận. Làm thế nào để xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm? Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thành, Giảng viên cao cấp chương trình CEFE Việt Nam một số nội dung xung quanh vấn đề này.

P.V: Chuỗi giá trị hiểu theo nghĩa rộng là những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện, để biến một nguyên liệu thô thành sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng. Nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này, xin ông cho biết ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh của các HTX?

Ông Nguyễn Đình Thành: Trong sản xuất kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị là giải pháp để gia tăng và nâng cao lợi nhuận. Vì thế nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngày càng quan tâm nhiều hơn. Đối với các HTX, xây dựng chuỗi giá trị không còn mới mẻ, nhưng vô cùng khó khăn. Khi nông dân phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, HTX mới nhận thức rõ hơn về vai trò của liên kết chuỗi bền vững và xem nó như là giải pháp cứu cánh để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

HTX là đại diện liên kết ngang của nông dân. Nếu xây dựng thành công chuỗi giá trị, nghĩa là HTX đã có chiến lược kinh doanh bài bản, thể hiện rõ năng lực tài chính, quản trị của mình, đủ tư cách đàm phán ngang bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, chứ không chỉ là một tổ chức đại diện cho nông dân. Như vậy, vai trò và vị thế của HTX được nâng cao hơn khi xây dựng, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Đó cũng là giải pháp cho HTX tham gia một cách chủ động, tích cực hơn vào kinh tế thị trường. HTX không thể chỉ làm mãi một số khâu như kết nối, cung ứng vật tư đầu vào, rồi để nông dân tự bươn chải lo bao tiêu cho sản phẩm. Cứ làm như thế, vai trò HTX rất mờ nhạt, không khuyến khích được xã viên đầu tư vốn hợp tác kinh doanh, kinh tế hợp tác không phát triển được. Có điều, hoạt động của các HTX hiện nay còn những tồn tại lớn, chưa thể khắc phục.

Chăm sóc rau tại HTX sản xuất rau hữu cơ xã Trác Văn (Duy Tiên). Ảnh: Lương Thế

P.V: Những tồn tại đó là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thành: HTX đang khó rất nhiều. Thứ nhất, HTX đang thiếu nguồn nhân sự quản lý tâm huyết, có trình độ cao. Lực lượng cán bộ chủ chốt đang tham gia quản lý HTX gần như không mặn mà với hoạt động của HTX. Cán bộ quản lý HTX đang bị già hóa. Họ tham gia quản lý HTX với tính chất làm thêm chứ không phải làm với mục tiêu phát triển sống còn của HTX. Hạn chế tới mức, có nhiều người làm theo kiểu cố gắng không va chạm, tạo thêm thu nhập cho dân, cho xóm là được rồi. Còn tự thân vận động, du nhập kiến thức khoa học về để hoạch định một chiến lược cải tổ bài bản, vạch ra hướng đi mới cho HTX làm ăn hiệu quả thì số này ít lắm.

Cũng phải nói thêm rằng, tư tưởng tư hữu của nông dân vẫn còn rất nặng, chưa phá bỏ được tư tưởng đó thì khó mà phát triển. Có 2 nguyên nhân, một là, lực lượng lao động trẻ, tài giỏi xa quê hết rồi, không muốn gắn bó với HTX. Hai là, lương, phụ cấp cho lãnh đạo HTX quá thấp, không đủ để họ tận tâm với công việc. 

P.V: Vấn đề này có tính hai mặt rõ ràng, vấn đề nằm ở nhân tố con người? Phải chăng, nếu HTX sản xuất, kinh doanh tốt sẽ thu hút được người tài, còn không thì ngược lại?

Ông Nguyễn Đình Thành: Tôi cho rằng, nhận thức là cái gốc của vấn đề. Tồn tại về nhận thức rất khó để thay đổi nếu không có động lực thúc đẩy. Bản thân giám đốc HTX không xác định gắn bó sống còn với HTX, thì không thể tận tâm, tận lực với chuyện HTX phát triển thế nào, ra sao. Nhiều nơi, chính quyền cấp xã chưa nhận thức hết vai trò của HTX trong phát triển kinh tế của địa phương, chưa có thái độ tích cực đối với phát triển HTX. Nói riêng về trụ sở làm việc, đến nay, chỉ có khoảng 10% HTX được quan tâm tạo điều kiện về đất đai để xây dựng trụ sở làm việc, còn phần nhiều HTX chả có vốn liếng gì đáng kể. Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách phát triển HTX, nhưng chỉ có cơ chế, chính sách thôi thì chưa đủ. Quan trọng là thay đổi nhận thức của những người có tác động trực tiếp.

Đó là những tồn tại nổi bật mà các HTX khó lòng vượt qua. Tất nhiên, có những vấn đề tự thân HTX phải vận động, khắc phục, nhưng cũng có những vấn đề cần có chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương đốc thúc, ủng hộ, tháo gỡ khó khăn cho HTX.

P.V: Vậy, theo quan điểm của ông, làm thế nào để HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất kinh doanh?

Ông Nguyễn Đình Thành: Trước hết, HTX phải tích cực nâng cao năng lực, thể hiện rõ vai trò của mình, xứng đáng được xã viên tin, giao vốn, giao sản phẩm cho HTX. Hướng tới mục tiêu xây dựng thành công chuỗi giá trị, tôi nghĩ, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX để nâng cao trình độ, kiến thức quản lý cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các HTX. Vì, con người là gốc, là nhân tố quyết định. Có đội ngũ cán bộ trình độ tốt, tâm huyết thì sẽ có những phương án kinh doanh tốt, dám nghĩ, dám làm. Ở nhiều tỉnh, đang có nhiều người trẻ trình độ cao về quê đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thành lập các HTX ít thành viên, xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm. Hà Nam cũng có một số HTX làm được điều này, sản xuất nông sản an toàn, làm vệ tinh cung cấp sản phẩm cho một số doanh nghiệp. Rõ ràng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm không phải là vấn đề quá khó! Điều nữa, tôi muốn nhắc đến chính là cần có cơ chế, chính sách với vai trò đốc thúc, tháo gỡ khó khăn cho HTX.

P.V: Thực ra, cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển HTX có rồi, nhưng làm thế nào để đưa cơ chế, chính sách đi sâu vào thực tiễn thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thành: Hiệu quả thực thi chính sách phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Muốn làm được điều đó thì phải có gợi mở từ tầm vĩ mô. Tỉnh nào cũng vậy, đang rất cần và mong mỏi có thêm nhiều nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Tôi muốn nói cơ chế chính sách có vai trò đốc thúc ở khía cạnh làm thế nào để các nguồn đầu tư muốn đổ về đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển HTX, khuyến khích HTX tận dụng cơ hội này xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Địa phương phải thể hiện rõ sự quan tâm bằng những hành động cụ thể, đúng tính chất, vai trò đốc thúc, chứ chỉ hô hào thôi thì còn lâu lắm! Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi lĩnh vực, trong đó có phát triển nông nghiệp. Hà Nam chắc chắn đã thấy rõ cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặt ra câu hỏi, HTX lấy nguồn nhân lực từ đâu để đáp ứng với yêu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. HTX có nguồn tài chính mạnh, có dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng không có nhân lực đủ trình độ quản lý, vận hành thì không thể làm được.

Cơ chế đốc thúc nên dành sự quan tâm nhiều hơn vào đầu tư phát triển nguồn nhân lực ở tầng lớp trí thức thì mới tạo động lực mạnh cho HTX phát triển nói chung và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nói riêng. Hà Nam quan tâm đến phát triển HTX bằng cơ chế hỗ trợ cụ thể, và đã thành lập được nhiều HTX ít thành viên, phục vụ mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đây là lợi thế cho HTX, vấn đề còn lại là HTX tranh thủ được sự quan tâm này hay không?

P.V: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bích Huệ (thực hiện)

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy