Cần quản lý tốt đàn bò sữa ngay từ hộ chăn nuôi

Bò sữa là đối tượng vật nuôi đặc thù, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để đàn bò sữa thực sự phát triển, rất cần được quản lý chặt chẽ ngay từ hộ chăn nuôi.

Hộ anh Phạm Văn Trinh, khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Mộc Bắc (Duy Tiên) có tổng số 12 con bò sữa, trong đó 10 con đang cho sữa. Trong số bò sữa hiện có của anh Trinh có đến 3 con bị gãy thẻ tai (thẻ đánh số theo dõi, quản lý bò). Bảng theo dõi cũng không có ở chuồng bò theo quy định. Cuốn sổ theo dõi quá trình chăm sóc, phòng bệnh, thụ tinh… của đàn bò sữa tại gia đình còn rất mới mặc dù được cấp từ lâu. Trong cuốn sổ chỉ duy nhất 1 lần ghi ngày tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng lần gần nhất, nhưng lại do cán bộ thú y đến tiêm phòng ghi giúp.

Nói về việc không thực hiện ghi chép đầy đủ, anh Phạm Văn Trinh cho biết: Quá trình chăm sóc, theo dõi bò, kể cả thời gian động dục, thụ tinh, tiêm phòng… tôi nhớ trong đầu. Khi đã làm xong, rất ngại mở sổ theo dõi ra ghi.

Kiểm tra thẻ tai bò sữa tại khu chăn nuôi tập trung, xã Mộc Bắc (Duy Tiên).

Cũng tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung của xã Mộc Bắc, gia đình anh Nguyễn Văn Thanh có đàn bò sữa 21 con, 8 con đang cho sữa. Toàn bộ đàn bò, kể cả 2 con mới được mua đầu năm đều được gắn thẻ tai.

Do nhập sữa cho Công ty Friesland Campina (đòi hỏi rất khắt khe về theo dõi), anh Thanh đã làm cho mỗi con bò 1 sổ ghi chép quá trình chăm sóc (do yêu cầu bắt buộc của công ty và có một phần tiền hỗ trợ ghi chép). Tuy nhiên, cuốn sổ theo dõi, quản lý được đơn vị chức năng của tỉnh cấp thì không được ghi đầy đủ.

Điều đáng nói, đầu năm 2018, gia đình anh Thanh mua thêm 2 con bò sữa qua thương lái tại địa phương. Những con bò sữa mới mua đều không có bất cứ loại giấy tờ nào thể hiện nguồn gốc, hay giấy kiểm dịch của cơ quan thú y…

Theo anh Thanh, biết là mua bò trôi nổi không tốt nhưng đành đánh cược "năm ăn, năm thua". Nếu sau này nuôi không bảo đảm về lượng sữa hay thụ tinh… sẽ thải loại dần, mua con mới.

Theo Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Duy Tiên, chỉ có khoảng 10% số hộ chăn nuôi bò sữa thực hiện cơ bản những yêu cầu trong quản lý đàn tại hộ theo đúng quy định (mua bò có nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm dịch sạch bệnh, ghi chép đầy đủ sổ theo dõi cho đàn bò…).

Ngay việc mua bò sữa, một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong chăn nuôi, nhưng phần lớn các hộ đều bỏ qua khâu quan trọng là kiểm dịch và có giấy tờ đầy đủ chứng minh nguồn gốc. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện có 30 con bò mua mới. Tuy nhiên, cả 30 con đều mua qua thương lái, không có bất cứ loại giấy tờ liên quan nào.

Theo Quyết định 990/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngày 19/9/2014 "Ban hành Quy định về quản lý chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Hà Nam": Tất cả các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi bò sữa phải thực hiện theo sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ tỉnh đến xã, bảo đảm phát triển sản xuất, hạn chế dịch bệnh, rủi ro, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, nâng cao thu nhập. Quy định nêu rõ, trong mua bán bò sữa chỉ được nhập về địa phương những con bò khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ, có giấy chứng nhận an toàn phòng dịch do Chi cục Chăn nuôi - Thú y cấp. Bò sữa, bê sữa phải đeo thẻ tai theo quy định của Bộ NN & PTNT có mã số để quản lý về lý lịch, theo dõi năng suất sữa và di chuyển; khi mất, hỏng thẻ tai chủ trang trại phải mua thẻ mới và đề nghị cơ quan chức năng gắn lại như số cũ; chủ trang trại bò sữa có trách nhiệm ghi chép sổ quản lý bò sữa tại nhà…

Thực tế, các hộ chăn nuôi bò sữa trong tỉnh đều được triển khai quy định về quản lý. Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tiến hành cấp sổ theo dõi, gắn thẻ tai cho bò sữa… Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi đã nảy sinh những tồn tại, hạn chế, điển hình là khá nhiều con bò sữa hiện không còn thẻ tai có mã số để quản lý về lý lịch, theo dõi năng suất sữa và di chuyển.

Nguyên nhân là do trong quá trình chăn nuôi bò bị mất và gãy thẻ tai nhưng các hộ không báo cho cơ quan chức năng làm lại. Việc bị mất hay gãy thẻ tai do nguyên nhân khách quan là rất ít, bởi thẻ được thiết kế chắc chắn. Nguyên nhân chủ quan, qua theo dõi, là do người nuôi chủ động làm gãy, mất thẻ tai của bò sữa.

Không có thẻ, người nuôi sẽ thuận lợi trong việc vận chuyển, mua đi, bán lại bò sữa ngay trong tỉnh. Bên cạnh việc bị mất và gãy thẻ tai, số lượng không nhỏ bò sữa được mua ở thị trường tự do không có các giấy tờ liên quan… Việc không tuân thủ đúng các quy định trong chăn nuôi bò sữa dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là bệnh nguy hiểm lở mồm long móng…

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.