Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch

Chiều 24/8, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đã tổ chức hội nghị Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm NN sạch với các cửa hàng, doanh nghiệp NNCNC.

Theo số liệu tổng hợp, đến nay toàn tỉnh đã có trên 30 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, củ quả an toàn và nấm ăn các loại với tổng diện tích 120ha, trong đó Khu NNƯDCNC 80 ha, các hộ nông dân, Tổ hợp tác , HTX ngoài khu 40 ha, các mô hình sản xuất theo hướng GAP cơ bản, VietGAP, Chứng nhận đủ điều kiện an toàn, PGS... của các nhóm sản phẩm nông nghiệp: Rau củ quả, cây ăn quả, nấm ăn các loại.

Người dân mua hàng tại Cửa hàng giới thiệu nông sản an toàn huyện Lý Nhân.

Đến nay toàn tỉnh cũng đã có 4 hộ, cơ sở sản xuất nông sản sạch đưa được 25,1 tấn sản phẩm lên kệ tại hệ thống siêu thị VinMart, giá bán tăng từ 15 – 25% so với giá bán tại thị trường tự do, các hộ khác đang hoàn thiện các điều kiện để lên kệ. Các hộ sản xuất khác cũng đã đưa được những sản phẩm kết nối với các cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch và các địa chỉ khác ngoại tỉnh. 

Tại các địa phương đã thành lập 5 cửa hàng giới thiệu và cung cấp nông sản an toàn. Riêng thành phố Phủ Lý có 6 cửa hàng... Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất nông nghiệp sạch đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, tiến độ triển khai thực hiện chậm so với yêu cầu đặt ra; một số mô hình sản xuất lúa hàng hóa mới chỉ đáp ứng được yêu cầu liên kết sản xuất, chưa thực hiện tích tụ ruộng đất hoặc tập trung đất đai; việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa chặt chẽ cung cầu về sản lượng, chủng loại cây trồng giữa các bên chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nên việc ký kết hợp đồng tiêu thụ gặp khó khăn.
Một số hộ dân đã ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ với các doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có hàng để bán do lượng sản phẩm chưa đủ để cung cấp ổn định theo hợp đồng đã ký kết, quy trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Với các mô hình hiện đang sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất, thu hoạch đến sơ chế, chế biến, phương tiện vận chuyển đi tiêu thụ. Các sản phẩm bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm chưa có tem nhãn hiệu cơ sở sản xuất và tem truy suất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên độ tin cậy của khách hàng chưa cao...

Tại hội nghị, các ý kiến của các đại biểu đã tập trung trao đổi xung quanh các vấn đề như : thủ tục vay vốn ưu đãi để sản xuất NNCNC, thủ tục cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm, quy trình công nghệ làm tem truy xuất nguồn gốc và căn cứ để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP....

Các ý kiến của các đại biểu đã được các ngành chức năng, Ban NN CNC của tỉnh giải thích, làm rõ, các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tạo thuận lợi giúp đỡ để các cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch trong tỉnh kết nối với cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đầu thời gian tới, nông sản của tỉnh có nhiều sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc ra thị trường.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy