Trăn trở nghề dũa Đại Phu

Làng nghề dũa Đại Phu, xã An Đổ (Bình Lục), được mệnh danh là làng nghề "mài sắt thành vàng", từ xa xưa đã góp phần không nhỏ giúp vùng quê này thay da đổi thịt. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, người dân sống bằng nghề đã khó chứ chưa nói đến việc phát triển làng nghề; việc giữ nghề đang là nỗi trăn trở của chính quyền và nhân dân địa phương.

Chị Vũ Thị Ngà thực hiện công đoạn băm răng dũa bằng máy.

Nghề dũa Đại Phu được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước. Ông Vũ Văn Tiễu, 70 tuổi, thôn Đại Phu cho biết: Ông tổ của nghề dũa là cụ Vũ Khánh, từng là thợ mộc gốc làng Đại Phu. Sau thời gian đi làm ăn xa, thấy thợ mộc người Nhật có con dũa để mài cưa, cụ Khánh mày mò nghiên cứu, tìm tòi làm ra chiếc dũa từ thanh sắt. Lại thấy ở Việt Nam chưa có ai làm ra con dũa nên cụ về làng hô hào mọi người làm nghề. Ban đầu chỉ có những con dũa 3 cạnh thô sơ được sản xuất từ những cây sắt bỏ đi, sau khi bắt được mối hàng thì nghề dũa phát triển. Khoảng cuối những năm 50, làng dũa Đại Phu bắt đầu thịnh vượng, cả làng như một công xưởng lớn với cả trăm hộ dân làm nghề. Trong những năm thời bao cấp, dũa Đại Phu đã có mặt ở nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc,…

Nhờ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 1982, HTX cơ khí dũa Đại Phu được thành lập, không chỉ có con em trong làng, trong xã mà nhiều xã lân cận cũng tìm sang học nghề. Trải qua những bước thăng trầm khác nhau nhưng nghề dũa đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân Đại Phu, người dân An Đổ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và làm thay đổi diện mạo quê hương. Tuy nhiên, khoảng hơn mười năm nay, nghề làm dũa bắt đầu gặp khó khăn, không còn hưng thịnh như trước. Đến nay cả làng chỉ còn khoảng 70-80 hộ làm nghề, người làm nghề cũng ngày một ít đi, phần lớn là người trung tuổi. Câu chuyện giữ nghề, phát triển nghề không chỉ là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương mà của cả những người đã gắn bó với nghề.

Công đoạn luyện tôi, tạo độ cứng cho dũa.

Anh Nguyễn Văn Tự, một người gắn bó nhiều năm với nghề làm dũa ở Đại Phu trăn trở: Mặc dù sản phẩm dũa không bị cạnh tranh bởi những nơi khác, nhưng vẫn bị ép giá do chúng tôi chưa trực tiếp tìm được đầu ra cho sản phẩm, vẫn phải thông qua các doanh nghiệp thu mua nên lợi nhuận thấp. Chính điều này làm cho nhiều lao động không còn tha thiết với nghề, chuyển sang đi làm công nhân trong các doanh nghiệp. Hơn nữa, các yếu tố như giá thành nguyên liệu, đầu vào cho sản phẩm như: giá than, điện, xăng dầu,… đều tăng trong khi giá bán dũa không cao. Đó chính là thách thức với nghề dũa hiện nay. 

Sự mai một của nghề khiến người dân trong làng không khỏi nuối tiếc nhưng cũng chưa biết cách nào để giữ nghề. Ông Vũ Trọng Thỏa, Trưởng thôn Đại Phu cho biết: Cơ ngơi của gia đình tôi có được như ngày hôm nay, con cái ăn học trưởng thành cũng từ nghề dũa mà ra. Nhưng hiện nay so với mặt bằng chung đi làm công ty hay làm các nghề khác thì làm dũa không bằng. Chính vì vậy mà số lao động làm nghề giảm đi khá nhiều. Trước đây cả làng làm nghề, mỗi nhà có từ 3-5 người làm, nay chỉ còn 70-80 hộ, mỗi hộ cũng chỉ có 1 người làm nghề.

Sản phẩm dũa được hoàn thiện và đóng gói trước khi xuất bán ra thị trường.

Theo ông Thoả, không phải vì chất lượng của dũa kém đi hay số lượng tiêu thụ ít, vì qua thống kê hằng năm số lượng dũa bán của làng vẫn tăng. Cái khó chính là số lao động ngày càng giảm, đặc biệt là lao động trẻ tuổi, do vất vả, thu nhập thấp cộng với thị trường bị thu hẹp nên không còn mặn mà với nghề truyền thống. Giờ ở làng chỉ còn những người trung niên không đủ điều kiện đi ra ngoài làm ăn mới phải bám trụ làm nghề. Có gia đình  làm chủ cơ sở sản xuất, chuyên thu mua sản phẩm dũa, có nguồn thu nhập ổn định nhưng giờ vẫn bỏ nghề  lên Hà Nội làm ăn, buôn bán mặt hàng khác.

Theo ông Vũ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã An Đổ, để thế hệ trẻ gắn bó với nghề làm dũa thực sự rất khó vì thu nhập không cao, hơn nữa đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào khâu trung gian. Chính điều này đã làm cho nghề dũa ngày càng bị thu hẹp và ít người làm nghề hơn.

Nguyễn Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.