Quản lý chặt chất lượng rượu thủ công

Sản xuất rượu thủ công đang có ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở khu vực nông thôn. Rượu thủ công chủ yếu do các hộ dân tự làm, hầu hết chưa có quy chuẩn nhất định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nấu rượu thủ công tại gia đình chị Trần Thị Hiền, thôn Đông Tự, xã Vũ Bản. Ảnh: Kim Chi

Tính đến nay, nghề nấu rượu đối với gia đình chị Trần Thị Hiền, thôn Đông Tự (làng Vọc, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục) đã được truyền qua 6 đời. Hiện nay, gia đình chị Hiền vẫn đang phát triển tốt nghề nấu rượu thủ công và rượu của gia đình chị khá uy tín với người tiêu dùng. Bình quân mỗi ngày chị nấu 3 nồi, 50kg gạo, cho thu từ 30 - 40 lít rượu. Toàn bộ lượng rượu nấu ra đều có khách quen đến đặt mua tại nhà.

Theo chị Hiền, quy trình nấu rượu thủ công được làm chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh. Nguyên liệu sử dụng hoàn toàn bằng gạo nếp được mua về đựng trong các bao ni lon buộc kín tránh ẩm mốc; men rượu do gia đình tự úp theo phương pháp gia truyền dùng bột gạo và hơn 30 loại thuốc bắc; các dụng cụ dùng nấu rượu, từ chum sành ủ rượu cái, nồi nấu rượu được làm bằng đồng đỏ tránh không bị váng; dụng cụ hứng rượu bằng bình thủy tinh, can nhựa sạch… Không những vậy, chị Hiền còn có hẳn một gian nhà để các chum sành cỡ lớn trữ rượu. Chị Hiền tâm sự: Để duy trì và phát triển nghề nấu rượu của ông cha, tôi tâm niệm phải giữ được  cái tâm với nghề. Cụ thể, ở đây chính là mình làm đúng các quy trình nấu rượu truyền thống, sử dụng gạo, men bảo đảm chất lượng, giữ vệ sinh sạch sẽ trong quá trình sản xuất…

Cùng với gia đình chị Hiền, làng Vọc có 132 hộ nấu rượu và làm men, trong đó có 40 hộ thường xuyên duy trì nấu rượu. Sản lượng rượu hàng năm của làng sản xuất ước khoảng 800.000 lít. Hiện cả làng nghề duy có 1 hộ (hộ ông Đỗ Văn Long) đã đăng ký chất lượng rượu nấu thủ công. Cơ bản các hộ nấu rượu có ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ chưa chú trọng nhiều đến vấn đề vệ sinh các loại dụng cụ nấu rượu, còn đựng rượu bằng các thùng nhựa chưa bảo đảm vệ sinh… Theo ông Trần Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản, nghề nấu rượu ở làng Vọc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa quản lý chặt chẽ đến hộ sản xuất. Do vậy, tuy đã được cấp nhãn hiệu tập thể nhưng chưa thể sử dụng…

Xã Hợp Lý (Lý Nhân) cũng có nghề nấu rượu có quy mô không lớn bằng làng Vọc, xã Vũ Bản. Toàn xã có khoảng 30 hộ chuyên nấu rượu. Rượu Hợp Lý cũng khá nổi tiếng với người tiêu dùng. Mặc dù vậy, việc nấu rượu bán đều do các hộ tự thực hiện không được kiểm soát về chất lượng. Rượu được cung ứng ra thị trường được bảo đảm bằng niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Được biết,  để thực hiện việc quản lý nấu rượu thủ công tại Hợp Lý, Phòng Công thương huyện Lý Nhân đã gửi mẫu đơn, tờ khai về xã để các hộ có nhu cầu đăng ký được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian chưa có hộ sản xuất rượu nào ở Hợp Lý đăng ký.

Hiện nay, sản xuất rượu thủ công đang có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Bình quân mỗi xã có từ 5 - 10 hộ chuyên nấu rượu, những làng nghề có 30 - 40 hộ trở lên. Mặc dù vậy, tính chung cả tỉnh mới có 3 hộ đăng ký bảo đảm chất lượng rượu, gồm: 1 hộ tại làng Vọc, 2 hộ tại làng Bèo. Chính vì thế, chất lượng rượu nấu thủ công đang là vấn đề cần được quan tâm. Thực tế, chất lượng rượu nấu thủ công được quyết định từ ngay nguồn nguyên liệu đầu vào là gạo và men. Đặc biệt, hiện nay nguồn men nấu rượu có rất nhiều loại, cùng với men úp truyền thống có hộ sử dụng men nước, men bột… Theo những người biết về nghề nấu rượu, khi sử dụng men nước hay men bột rượu được nước hơn dùng men úp truyền thống (cho nhiều rượu và nồng độ cao hơn). Tuy nhiên, khi uống những loại rượu không sử dụng men úp truyền thống sẽ khó uống hơn và dễ gây đau đầu…

Để quản lý chất lượng rượu thủ công, ngành công thương đã tham mưu với UBND tỉnh phân cấp trách nhiệm rõ ràng hơn cho các địa phương từ việc cấp phép đến giám sát về chất lượng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, không để rượu sản xuất không đúng quy trình, mất vệ sinh an toàn thực phẩm bán ra thị trường. Riêng đối với làng nghề truyền thống rượu Vọc (Vũ Bản), tỉnh chủ trương sớm thành lập HTX sản xuất và kinh doanh rượu Vọc trở thành đầu mối quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), quản lý chặt chất lượng rượu thủ công còn tránh được tình trạng trà trộn rượu giả pha cồn công nghiệp gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng…

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy