Đưa công nghệ vào các làng nghề

Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động khá tốt. Có được điều này là do các cơ sở tại làng nghề tích cực đưa máy móc, áp dụng công nghệ vào sản xuất. Đây là bước đi quan trọng, mang tính đột phá giúp sản phẩm làng nghề của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường.

Qua tìm hiểu được biết, trước đây làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng) hoàn toàn sử dụng lò nung thủ công đốt bằng than, củi. Sản phẩm từ lò nung thủ công chủ yếu chỉ là chum, vò, vại, tiểu sành… tốn nhiều nguyên liệu đất, hiệu quả lại thấp. Tỷ lệ sản phẩm thành công sau mỗi mẻ lò chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Các sản phẩm kỹ thuật cao gần như không có.

Để sản phẩm của làng nghề có sức cạnh tranh trên thị trường, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao giá trị, người dân Quyết Thành đã đầu tư xây dựng lò nung gas hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng, như: chuyên, chén, lọ hoa, chậu hoa, lọ đựng rượu…

Hiện nay, cùng với các lò thủ công, làng gốm Quyết Thành đã có 2 lò nung gas. Ông Nguyễn Đức Phú, chủ cơ sở sản xuất gốm, nguyên Giám đốc HTX gốm Quyết Thành cho biết: Lò nung gas tuy mức đầu tư khá lớn (lên đến cả tỷ đồng) nhưng các sản phẩm nung đạt tỷ lệ rất cao (đạt trên 95%), vượt trội so với lò thủ công. Sử dụng lò nung gas, làng nghề tạo ra được những tác phẩm gốm kỹ thuật và nghệ thuật cao như: ấm đắp hoa văn, chén tráng men, bình rượu đắp hình rồng, phượng…

Những sản phẩm này lò nung thủ công không đáp ứng được. Nhờ đầu tư công nghệ vào sản xuất, thu nhập của thợ gốm được nâng lên rõ rệt. Các nghệ nhân, thợ giỏi gắn bó hơn với nghề truyền thống của quê hương.

Sản xuất hàng thêu ren tại Công ty An Hoa (xã Thanh Hà, Thanh Liêm). Ảnh: Tiến Đoàn

Cùng với làng gốm Quyết Thành, các làng nghề khác trong tỉnh cũng tích cực đầu tư máy móc, công nghệ vào các công đoạn sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Cụ thể, làng Chều (xã Nguyên Lý, Lý Nhân) chuyên sản xuất bánh đa nem cơ bản thay thế bếp thủ công bằng máy tráng; làng làm miến, bánh đa Bích Trì (Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý) khâu tráng bánh được sử dụng 100% bằng máy; làng sừng mỹ nghệ Đô Hai (An Lão, Bình Lục) đưa máy móc vào nhiều khâu để làm ra các sản phẩm sừng mỹ nghệ tinh xảo; 100% cơ sở làng nghề mộc xã Nhân Khang (Lý Nhân) đều sử dụng máy móc, công nghệ ở các khâu: xẻ, pha gỗ, cắt, bào nhẵn … 

Ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian qua, nhờ chủ động, tích cực đưa máy móc, áp dụng công nghệ vào sản xuất, sản phẩm làng nghề của tỉnh được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, các làng nghề cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt, mỗi cơ sở, làng nghề cần chủ động trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử để có thể tự giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường thế giới. Đây sẽ là bước tiến của các làng nghề trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy