Để lao động trẻ gắn bó với nghề truyền thống

Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một do thiếu nhân lực, nhất là lao động trẻ để truyền nghề, giữ nghề.

Do suy thoái kinh tế, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, hiện nay nhiều cơ sở thêu ren ở Thanh Hà (Thanh Liêm) phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: Quang Huy


Qua tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thanh niên không gắn bó với các làng nghề. Trước tiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các làng nghề gặp khó khăn, công lao động thấp nên nhiều thanh niên không mặn mà với nghề truyền thống của địa phương, dẫn tới một bộ phận thanh niên muốn thoát ly làm công việc khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, đa phần thanh niên trẻ hiện nay có chung một suy nghĩ, còn trẻ thích bay nhảy, ra ngoài xã hội để thử thách.

Thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động trẻ hiện nay không gắn bó với các nghề truyền thống. Ảnh: Điện Biên

Sinh ra tại mảnh đất có nghề sản xuất dũa nổi tiếng nên từ bé anh Nguyễn Xuân Cường, 26 tuổi (thôn Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục) đã cơ bản biết quy trình sản xuất ra một sản phẩm. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, anh đã bỏ nghề truyền thống để đi làm công nhân tại Cụm Công nghiệp Bình Lục.

Cường chia sẻ: Công lao động từ nghề sản xuất dũa rất thấp, chỉ khoảng 70-100 nghìn đồng/ngày nên thanh niên không mấy mặn mà với nghề. Dù yêu nghề nhưng nếu cứ làm nghề thì không thể nuôi sống được gia đình nên nhiều thanh niên phải tìm hướng chuyển việc.

Không chỉ nghề sản xuất dũa ở Đại Phu, tại nhiều làng nghề khác, phần đông thanh niên cũng không còn mặn mà với nghề truyền thống. Cô gái trẻ Đỗ Thị Liên, làng nghề thêu ren nổi tiếng ở thôn Hòa Ngãi (Thanh Hà, Thanh Liêm) cho biết: Cho dù biết cầm kim thêu hơn 10 năm nay nhưng mới đây em đã quyết định nộp hồ sơ xin vào làm việc tại một công ty may ở Khu Công nghiệp Châu Sơn (TP. Phủ Lý), bởi thu nhập từ nghề thêu thấp, chỉ khoảng 50-70 nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, nghề này lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn và bàn tay khéo léo của người thợ.

Cơ sở sản xuất bánh đa nem làng Chều của anh Trần Đức Kiên, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Thế Trang

Theo thống kê của xã Thanh Hà (Thanh Liêm), địa phương hiện có 2 làng nghề thêu ren truyền thống (thôn An Hòa và Hòa Ngãi) và 6 thôn có nghề, nhưng tỷ lệ thanh niên làm nghề chỉ chiếm khoảng 35% lực lượng lao động toàn xã.

Hiện tại, lao động đang làm việc tại địa phương chủ yếu là phụ nữ tuổi trung niên, không có khả năng làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Không chỉ thiếu hụt lao động trẻ làm việc tại các làng nghề truyền thống mà công tác truyền nghề cũng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ nhân Phạm Sĩ Sơn (thôn An Hòa, xã Thanh Hà, Thanh Liêm) trăn trở: Nếu như trước đây, khi nghề thêu ren còn được làm thủ công, người người ngồi thêu ren, trung bình mỗi năm tôi cùng các nghệ nhân khác tổ chức hàng chục lớp truyền nghề cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây khi công nghệ thêu được chuyển hóa sang máy móc, nhiều cơ sở sản xuất đã thiết kế mẫu, sản phẩm bằng máy tính nên việc truyền nghề cho người dân không còn được duy trì. Ngoài ra, do ngày công lao động thấp nên người dân không mặn mà với việc học nghề. Vì thế, nhiều lần các tổ chức đoàn thể động viên nhưng người dân địa phương cũng không muốn đi học.

Thiếu hụt lao động trẻ là tình trạng chung của nhiều làng nghề. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 163 làng nghề, làng có nghề đã được công nhận (trong đó có 30 làng nghề truyền thống, 22 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 111 làng có nghề). Dù chưa có con số thống kê chính thức, song theo khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay lao động ở các làng nghề chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Cùng với đó, trung bình hằng năm trên địa bàn tỉnh có từ 25-30 nghìn lao động là thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa ở các tỉnh. Nguyên nhân được xác định là lao động trẻ không muốn gắn bó với nghề vì thu nhập không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường. Hơn nữa, tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn nhưng bình quân thu nhập lại không cao nên chưa đủ sức “giữ chân” lao động trẻ.

Trần Ích

Trần Ích, Trang Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.