Những năm qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng đến với khu vực này. Thông qua nguồn vốn tín dụng không chỉ giúp cho kinh tế khu vực nông thôn tăng trưởng khá mà còn góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Trước nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và những diễn biến phức tạp của nạn "tín dụng đen", thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân khu vực nông thôn. Cụ thể, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh.
Thực hiện chỉ đạo trên, các TCTD đã triển khai sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất; khuyến khích mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua đó, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng nhanh chóng. Ước đến hết 30/9/2024, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt khoảng 77.200 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Trong tổng nguồn vốn trên dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 30.137 tỷ đồng (tăng 1,71% so với đầu năm, với 100.819 khách hàng còn dư nợ).
Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng khá. Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam cho biết: Đến thời điểm này dư nợ của chi nhánh đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 70% nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Được vay vốn, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, chăn nuôi trồng trọt... tạo việc làm cho nhiều lao động và trả tiền gốc, lãi theo đúng quy định. Trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục mở rộng cho vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với các ngành và địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp gia tăng giá trị trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam II cho biết: Với khoảng 13.500 hộ đang sử dụng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có số dư nợ trên 7.500 tỷ đồng, nguồn vốn của ngân hàng đã góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho khách hàng là hộ gia đình vay vốn thuận lợi, chi nhánh đã mở rộng cho hộ vay theo hạn mức tín dụng đến 500 triệu đồng. Chi nhánh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên phân công cán bộ tín dụng tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn của từng hộ gia đình, hướng dẫn nhân dân làm thủ tục vay vốn tiếp cận với dịch vụ mới nhanh chóng, thuận lợi.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, mở rộng tín dụng, xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; triển khai kịp thời các quy định mới về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, chú trọng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng và cung ứng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp khu vực nông thôn sử dụng các tiện ích ngân hàng hiện đại.
Trần Thoan