Vướng mắc trong GPMB đợt 7 Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao

Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Kim Bảng) có diện tích 5.100ha, trong đó huyện Kim Bảng đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 6 đợt và đang triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 7. Tuy nhiên, khi tiến hành chi trả tiền bồi thường GPMB đợt 7 của dự án do các hộ chưa thống nhất về người được hưởng đền bù tiền đất nên tiến độ rất chậm.

Một góc khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Kim Bảng). Ảnh: Thế Tuân

Đồng chí Lê Minh Thuy, Bí thư Đảng ủy xã Khả Phong cho biết: Toàn bộ diện tích đợt 7, xã phải bàn giao mặt bằng cho Nhà nước hơn 113 ha, với 157 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 7 hộ có đất ở, 26 hộ có đất lúa xen kẹp, 23 hộ có mồ mả và 101 hộ có đất đa canh.

Trong số 101 hộ có trang trại đa canh thì phần đất làm trang trại trước đây là của khoảng 700 hộ. Khi làm trang trại các hộ tự dồn ghép thành thửa lớn theo hình thức: chuyển nhượng cho nhau; cho thuê; cho mượn; cho nhau bằng miệng… để cho 101 hộ làm đa canh.

Khi thu hồi mặt bằng, các hộ có đất và hộ làm trang trại chưa thống nhất được ai sẽ là người được hưởng phần đền bù tiền đất nên chưa thu hồi được mặt bằng, trong đó có nhiều hộ có đất đưa ra lý do chỉ bán đến năm 2013 và một số hộ đã cho đất, khi thu hồi mặt bằng lại đòi lại.

Trong số 700 hộ có đất đến nay đã có gần 100 hộ tự hòa giải, thống nhất được người hưởng tiền đền bù đất, còn lại hơn 600 hộ đang hòa giải. Đến nay, có 94 hộ là chủ trang trại đa canh nhận tiền đền bù tài sản trên đất, nhận tiền cải tạo vượt lập khi làm trang trại.

Theo ông Trần Đình Cơ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bảng, về lập phương án đền bù GPMB, đơn vị căn cứ vào sổ đỏ để lập danh sách người được hưởng giá trị tiền đất.

Tuy nhiên, nhiều hộ làm đa canh và hộ có đất chưa thống nhất được ai sẽ là người được hưởng giá trị đền bù tiền đất nên đơn vị sẽ phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền tới bà con bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó định hướng  "hộ mua và hộ bán", "hộ cho và hộ nhận", tự hòa giải thỏa thuận với nhau về phần đền bù tiền đất.

Nếu như các hộ chưa hòa giải được với nhau, có thể đơn vị sẽ tham mưu với cấp trên cho phép khi đã xây dựng phương án chặt chẽ, thống nhất với các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, sau đó phần tiền của các hộ sẽ gửi vào Kho bạc Nhà nước, để khi nào các hộ giải quyết được sẽ chi trả, còn lại mặt bằng sẽ thu hồi để bàn giao cho nhà đầu tư cho kịp tiến độ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh ủy đã xác định ưu tiên phát triển du lịch  - dịch vụ, phát triển các điểm du lịch tạo chuỗi liên kết gắn với khai thác Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc - Ba Sao.

Mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 1,8 triệu lượt khách/năm về tham quan du lịch; đồng thời chuyển dịch từ 3.000 - 5.000 lao động nông nghiệp sang chuyên phục vụ ngành dịch vụ, du lịch. UBND tỉnh chỉ đạo tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu thương mại, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí tại khu vực Ba Sao và dọc tuyến quốc lộ 21A, 38, đường tỉnh 498 từ TP. Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn nối với Tam Chúc - Ba Sao.

Tuy nhiên, để Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao nhanh chóng đi vào khai thác, công tác GPMB đợt 7 hết sức quan trọng. Bởi diện tích đợt 7, nhà đầu tư sẽ xây dựng một trong những cổng chính ra vào, bãi gửi xe. Do vậy, các cấp, ngành huyện Kim Bảng cần vào cuộc tích cực, phối hợp với chủ đầu tư tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân tự hòa giải, thỏa thuận với nhau về phần đền bù tiền đất để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trần Hữu

Trần Thoan, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy