Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid - 19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường kiểm soát xe vận tải hàng hóa vào địa bàn, góp phần quan trọng hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Theo ước tính, trung bình một ngày tại các KCN trên địa bàn tỉnh có cả nghìn lượt xe tải ra vào vận chuyển hàng hóa, trong đó có nhiều xe ở các tỉnh, thành phố khác. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid – 19 lây lan từ lái xe và các phương tiện vận tải hàng hóa đường dài, nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ, hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai hiệu quả phương án đón xe vào bốc xếp hàng hóa. Cụ thể, khi xe đến cổng doanh nghiệp, lái xe phải đến khu cách ly riêng biệt, không được tiếp xúc với công nhân trong công ty. Sau đó, toàn bộ xe sẽ được phun thuốc khử trùng, đồng thời cử lái xe của doanh nghiệp ra lái xe vào khu bốc xếp hàng hóa. Khi bốc, xếp xong hàng, lái xe của doanh nghiệp tiếp tục lái xe ra cổng và gọi điện bàn giao xe cho lái xe đường dài đã cách ly. Cách làm này, đã khắc phục được tình trạng lái xe ở nơi khác về làm lây lan dịch bệnh cho công nhân trong doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Với đặc thù ở các KCN có rất nhiều phương tiện ra vào vận chuyển hàng hóa. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ lái xe đường dài, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên tuyên truyền tới các doanh nghiệp, tổ chức ký cam kết phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe ra vào các KCN. Các doanh nghiệp bố trí khu vực cách ly lái xe, người đi theo xe vận chuyển hàng hóa trong thời gian chờ xếp dỡ hàng hóa, bảo đảm không tiếp xúc gần với người tại điểm giao nhận hàng. Trường hợp không bố trí được khu vực cách ly thì lái xe và người đi theo xe không được rời khỏi xe trong thời gian chờ xếp dỡ hàng hóa. Khi giao hàng xong phải đi ngay, không được ở lại doanh nghiệp.
Ngoài các KCN, để quản lý phương tiện ra vào tỉnh vận chuyển hàng hóa, Sở Giao thông vận tải Hà Nam đã đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý đường bộ I quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện phân luồng giao thông. Đối với các phương tiện đi qua địa bàn tỉnh, không đi qua tuyến quốc lộ 1A mà lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; các phương tiện bắt buộc phải vào tỉnh Hà Nam để về tỉnh giáp ranh, yêu cầu xuống nút giao Liêm Tuyền đi hướng đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đối với các phương tiện được vào địa bàn tỉnh Hà Nam để cung cấp hàng hóa, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ dân sinh phải thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch và các quy định hiện hành. Yêu cầu lái xe và người đi theo xe vận chuyển hàng hóa vào tỉnh thực hiện quét nhanh mã QR để xác minh thông tin về thời hạn của giấy nhận diện phương tiện do ngành giao thông vận tải cấp và yêu cầu chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch theo quy định. Đối với xe không có giấy nhận diện phương tiện, hoặc có nhưng hết thời hạn hoặc thông tin người trên xe không đúng thì thực hiện khai báo y tế.
Ngoài các giấy tờ quy định theo Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn, lái xe và người đi theo xe phải mang theo: Đối với xe được cấp giấy nhận diện phương tiện gắn mã QR phải in và dán giấy nhận diện phương tiện trên kính xe theo quy định, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Tại các vùng giáp ranh, các huyện, thị xã và thành phố Phủ Lý đã thành lập các chốt kiểm soát đầu - cuối thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của lái xe và người trên xe bảo đảm đúng quy định. Trong thời gian qua, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý chặt chẽ các phương tiện vận tải hàng hóa vào địa bàn, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch của tỉnh, tạo điều kiện cho các phương tiện ra vào tỉnh thuận tiện.
Trần Hữu