Phát triển dịch vụ vận tải đưa, đón công nhân

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với hàng vạn công nhân. Vì vậy, quan tâm phát triển dịch vụ vận tải đưa, đón công nhân tại các KCN là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, giúp họ yên tâm làm việc, đáp ứng mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

KCN Đồng Văn đã có nhiều xe đưa, đón công nhân.

Bà Vũ Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: Các KCN đến nay vẫn chưa có nhà ở cho công nhân. Vì vậy, một lượng lớn công nhân làm việc tại đây phải di chuyển hằng ngày từ nhà đến công ty với một quãng đường xa. Nhu cầu đi lại của người lao động mỗi ngày một tăng nên ở các địa phương có đông công nhân làm việc tại các KCN đã phát triển dịch vụ vận tải đưa đón công nhân như huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Thanh Liêm. Nhiều doanh nghiệp vận tải ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tại KCN đưa đón công nhân hằng ngày. Đến nay, lượng xe chuyên chở công nhân làm việc tại các KCN của Hà Nam có khoảng 60 xe khách loại 16 chỗ đến 24 chỗ ngồi.

Thực tế tại xã Lê Hồ (Kim Bảng) cho thấy, người lao động có nhu cầu đi lại bằng ô tô đến công ty làm việc và trở về nhà mỗi ngày rất nhiều. Cả xã có trên 400 lao động đang làm việc tại các KCN, số xe chở công nhân cũng gần 10 chiếc. Các xe thường thu mỗi công nhân 10.000 đồng/ngày, tiền xe hằng tháng chỉ dưới 300.000 đồng/ người. Chị Hoàng Thị Hiền, công nhân KCN Đồng Văn II nói: Nếu so sánh với chi phí thuê nhà ở lại thì còn rẻ hơn. Chúng tôi chỉ mất một khoảng thời gian để đi - về thôi, bù lại được nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí đầy đủ hơn nhiều so với người ở lại thuê nhà, mỗi tháng bỏ ra khoảng 1 triệu đồng chi phí thuê nhà, điện, nước.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Lê Hồ cho biết: Các trục đường giao thông liên thôn, liên xã ở Lê Hồ khá tiện lợi, vì thế, công nhân chỉ đi bộ từ nhà ra điểm bắt xe dài lắm là 500 - 600m. Kể từ khi có dịch vụ vận tải này, người lao động ở xã rất ít đi xe máy. Họ coi trọng an toàn cho bản thân và tính toán tiện ích hơn. Chính nhờ phát triển dịch vụ vận tải đưa đón công nhân, người lao động ở Lê Hồ  ngày càng có nhiều người tìm đến làm việc tại các KCN hơn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động ở các KCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nữ, có những doanh nghiệp gần 100% lao động là nữ. Độ tuổi của lao động từ 18 đến 35, vì thế rất nhiều lao động đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Vì các KCN chưa có nhà ở cho công nhân, nhiều lao động lựa chọn phương án đi  - về để giảm chi phí.

Chị Trần Thị Chỉ, xã Nhân Đạo (Lý Nhân) cho biết: Khi lập gia đình, có con  cái rồi, mức lương công nhân dùng chi trả những khoản chi tối thiểu như thuê người trông con, thuê nhà, trả tiền điện, nước  sinh hoạt … sẽ không đủ. Chúng tôi phải tính chuyện mang con về quê để nhờ ông bà chăm sóc giúp. Bản thân hằng ngày đi về. Ở Lý Nhân đã có những nơi phát triển dịch vụ vận tải đưa, đón công nhân, nhưng có nhiều xã không có nên công nhân phải đi xe máy đến công ty. Như tôi, mỗi ngày phải đi quãng đường dài gần 40km đến nơi làm việc.

Không phải ai cũng có điều kiện nhờ gia đình giúp đỡ chăm sóc con cái, những công nhân không có điều kiện vẫn phải để con ở quê, hằng ngày đi về đưa đón. Bởi vì, nếu đưa con theo, thuê nhà và tìm chỗ gửi con, cho con học tập cũng là một vấn đề nan giải.

Phát triển dịch vụ vận tải đưa đón công nhân ở các KCN là một trong những dịch vụ  đáp ứng yêu cầu  của doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh theo cam kết. Tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 834/2017/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp KCN giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Để dịch vụ này phát triển, đáp ứng nhu cầu của công nhân và yêu cầu của doanh nghiệp, Đề án đã đề  ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ vận tải đưa đón công nhân trong KCN; quy hoạch và xây dựng các điểm chờ xe phù hợp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu đưa đón công nhân, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong và ngoài tỉnh nhằm kết nối, quản lý tốt dịch vụ…

Lợi thế lớn nhất hiện nay trong phát triển dịch vụ vận tải này là hệ thống giao thông được xây dựng khá tốt, kết nối giữa các địa phương, rút ngắn thời gian di chuyển, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy