Cơ sở hạ tầng trong các khu dân cư, khu đô thị cần được đầu tư đồng bộ

Thiếu cơ sở hạ tầng, hoặc một số hạng mục đã được đầu tư xây dựng song không sử dụng được, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư… đó là tình trạng diễn ra ở nhiều khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Các khu dân cư, khu đô thị cần có một quy chuẩn thống nhất về cơ sở hạ tầng để tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của người dân.

Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo (TP. Phủ Lý) được đầu tư xây dựng cách đây hơn 15 năm, là một trong những khu đô thị có thiết kế tương đối đồng bộ, hiện đại (thời điểm bấy giờ).

Theo thiết kế, toàn bộ phần đường điện của Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo được xây dựng ngầm dưới vỉa hè nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, góp phần tạo cảnh quan đô thị hiện đại. Tuy nhiên, khi đưa vào hòa mạng, hệ thống đường điện ngầm của Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo lại không sử dụng được, gây bức xúc cho nhiều người dân.

Ông Trần Văn Hùng, ở Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo cho biết: Khi chúng tôi góp vốn mua đất, doanh nghiệp giới thiệu cơ sở hạ tầng đồng bộ, có hệ thống đường điện ngầm, song thực tế hiện nay toàn bộ đường điện ngầm lại không sử dụng được. Các hộ dân trong khu đô thị phải dùng đường điện nổi chằng chịt, gây mất mỹ quan.

Một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Phủ Lý vẫn còn tình trạng bị ngập úng sau những trận mưa lớn. Ảnh: Thế Trang

Cũng giống Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo, khu dân cư ở phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý được xây dựng cách đây hơn 10 năm, song cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo thiết kế, toàn bộ khu tái định cư ở phường Thanh Châu được xây dựng vỉa hè, có hệ thống thoát nước kết nối với hệ thống thoát nước ở khu vực, song nhiều năm qua hệ thống thoát nước ở khu vực này chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nhiều tuyến đường hệ thống cống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ, vào mùa mưa, phố Trương Công Giai bị ngập sâu, thời gian tiêu thoát rất chậm, kéo dài 2-3 ngày.

Anh Trần Trung Kiên, Tổ dân phố Bào Cừu, phường Thanh Châu (TP. Phủ Lý) chia sẻ: Mặc dù là phường ngoại thành, các khu dân cư được xây dựng mới song hệ thống thoát nước rất kém. Vào mùa mưa, nhiều vị trí đường trong khu vực thường xuyên úng ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Cũng theo anh Kiên, đợt mưa vừa qua kéo dài hơn 1 tuần gây ngập úng cho các tuyến đường nội bộ trong khu vực, có đoạn ngập sâu 20 - 30 cm. Rất nhiều lần người dân có ý kiến với các cấp có thẩm quyền song hệ thống thoát nước ở trong khu vực vẫn không được cải thiện.

Tình trạng nhiều khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh mới được xây dựng song khi đưa vào sử dụng lại không đáp ứng nhu cầu của người dân như Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo và khu dân cư phường Thanh Châu đã trở nên phổ biến. Hầu hết các khu tái định cư, khu dân cư mới, khu đất dịch vụ 7% ở các huyện và thành phố còn thiếu đường điện, hệ thống thoát nước thải chưa kết nối đồng bộ...

Huyện Duy Tiên có 18 khu đất dịch vụ 7% với tổng diện tích hơn 70 ha ở 9 xã và thị trấn chưa có hạ tầng hệ thống điện. Nhiều hộ dân chuyển đến nơi ở mới phải mua điện từ các vùng lân cận, đường dây dẫn điện kéo dài nên chất lượng nguồn điện không bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ông Phạm Xuân Thọ, Giám đốc Điện lực Duy Tiên cho biết: Nhiều khu đất dịch vụ 7% ở huyện Duy Tiên chưa có đường điện và trạm biến áp nên khi người dân đến xây nhà ở phải kéo đường điện từ trong làng hoặc ở những vị trí cột gần đó để sử dụng dẫn tới chất lượng nguồn điện không bảo đảm, vốn chi phí lại lớn. Huyện Duy Tiên đã có văn bản gửi Công ty Điện lực Hà Nam đề nghị đầu tư lưới điện ở các khu đất dịch vụ 7%.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì đơn vị quản lý dự án cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng miền. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có hạn, nên ngành điện cũng phải tính toán cân nhắc đầu tư cho phù hợp.

Để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và kịp thời cho các hộ gia đình trong khu đất dịch vụ 7%, Công ty Điện lực Hà Nam đề nghị UBND huyện Duy Tiên chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp với ngành điện khảo sát cụ thể. Nếu lưới điện của Công ty Điện lực Hà Nam ở gần đó và còn đủ công suất cấp điện thì Công ty Điện lực Hà Nam sẽ báo cáo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc xin được nhận tạm thời lưới điện để quản lý vận hành bán điện cho các hộ dân. Đối với dự án chưa được đầu tư hạ tầng về điện, UBND huyện Duy Tiên chỉ đạo chủ đầu tư phải thực hiện đầu tư hạ tầng về điện theo đúng quy định.

Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống các hộ dân, hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư… cần được đầu tư đồng bộ. Khi thiếu hạng mục hạ tầng, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng song không kết nối được với hạ tầng dùng chung trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. 

Trần Hữu

Trần Thoan, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy