Bao giờ thành phố Phủ Lý hết ngập?

Một nghịch lý đã và đang diễn ra tại trung tâm thành phố Phủ Lý đó là mỗi khi mưa lớn khu vực nội thành ngập úng, trong khi đó trạm bơm cuối nguồn lại thiếu nước. Nhiều hộ dân lo lắng, nếu như hệ thống cống thoát nước không được cải tạo, nâng cấp thì thành phố Phủ Lý ngày càng xuất hiện nhiều điểm ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Người dân khốn khổ vì nước ngập

Điểm ngập úng sâu nhất tại thành phố Phủ Lý là khu vực ngã tư đường Biên Hòa - Nguyễn Văn Trỗi. Cứ mưa rào kéo dài khoảng 15 - 20 phút là nước ở mặt đường Biên Hòa đã dâng lên, có điểm ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong vùng. Bà Nguyễn Thị Mùi, tổ 1, phường Minh Khai bức xúc nói: Năm nay tôi 82 tuổi, có gần 50 năm sinh sống tại thành phố Phủ Lý, nhưng tôi thấy khu vực nội thành ngày càng ngập sâu. Nhà tôi làm từ đầu những năm 1990, lại nằm trong vùng trũng nhất của thành phố, trước đây thì không sao, độ 5 - 6 năm nay, hầu như năm nào cũng có một vài lần nước ngập vào nhà. Năm ngoái, mưa lớn nước còn ngập sâu ở phòng khách 10 - 15 cm, gây hỏng đồ dùng, nước chảy cả vào bể ngầm. Năm nay gia đình mới nâng sân với nền nhà, mà trận mưa cuối tháng 6 vừa qua, nước còn ngập sâu trong sân, tràn vào nền nhà. Không biết bao giờ thành phố mới hết ngập?

Sau trận mưa lớn, nước ngập sâu trên tuyến đường Biên Hòa (TP. Phủ Lý). Ảnh: Thế Trang

Cũng như gia đình bà Mùi, hàng nghìn hộ dân sinh sống tại thành phố Phủ Lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mưa lớn kéo dài gây ngập nước trên diện rộng. Nước mưa, nước cống dâng lên, mùi hôi thối nồng nặc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhiều hộ đã phải kê cao đồ dùng, nâng nền nhà… khi mưa lớn, nước rút chỉ rửa mỗi phòng khách. Khổ nhất là những hộ nhà xây từ lâu, nền thấp, không có điều kiện để nâng nền, lại có bể ngầm, mỗi khi mưa lớn nước tràn cả vào bể, làm đảo lộn cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Minh Khai cho biết: Gia đình tôi từ đầu hè đến nay phải rửa bể hai lần do nước ngập tràn vào nhà, vào bể. Mỗi lần mưa xong, nước rút phải rửa bể mất 2- 3 tiếng, dùng đủ loại hóa chất khử trùng, tốn rất nhiều công sức. "Nếu nâng nền nhà, xây lại nắp bể thì chiều cao của phòng khách lại không phù hợp, nên đành phải sống chung với nước ngập vào nhà'', chị Thủy nói.

Bao giờ thành phố hết ngập? Câu hỏi này luôn được nhiều người dân ở thành phố Phủ Lý quan tâm và mong chờ các cấp ngành sớm giải quyết.  

Cống thoát nước chưa phù hợp với phát triển đô thị

Khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Phủ Lý có 11 phường và 10 xã, song điểm ngập úng chỉ tập trung ở trung tâm thành phố thuộc một phần các phường Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Hai Bà Trưng và phường Trần Hưng Đạo. Đây là khu vực nội thành, có hệ thống cống thoát nước chắp vá, không đồng bộ, tiết diện cống nhỏ, độ dốc kém, nhiều đoạn luồn lách qua các khu dân cư gây bồi lắng, ách tắc, trong đó có nhiều tuyến hàng chục năm qua chưa được đầu tư sửa chữa, xây mới để đáp ứng với nhu cầu phát triển của đô thị. Khi mưa lớn kéo dài, gây ngập úng một số tuyến đường: Biên Hòa, Quy Lưu, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Phúc… song Trạm bơm Mễ có công suất 7.500 m3/giờ tiêu thoát cho khu vực nội thành lại thiếu nước do hệ thống cống nhỏ không thu gom kịp.

Nước ngập sâu và cục bộ trên tuyến đường Quy Lưu - TP. Phủ Lý. Ảnh: Thế Trang

Ngoài khu vực nội thành, mấy năm qua ở thành phố Phủ Lý còn xuất hiện nhiều điểm ngập cục bộ ở những khu dân cư mới xây dựng. Cụ thể, tại khu vực phường Thanh Châu, vị trí ngập úng xảy ra ở các tuyến đường Trương Công Giai, một số tuyến đường nội bộ khu tái định cư Thanh Châu, thôn Hồng Phú, thôn Bầu Cừu. Hướng thoát nước khu vực này ra kênh dọc QL1A vào hồ Bảo Lộc 1 và 2, rồi chảy xuống phía huyện Thanh Liêm. Do hệ thống thoát nước tự chảy nên tiêu rất chậm, trong khi đó nhiều tuyến đường nội bộ ở khu dân cư chưa hoàn thiện, thi công xong chưa được đấu nối đường thoát nước. Một số cống qua đường trên kênh chính ven QL1A tiết diện nhỏ, nằm sâu dưới đáy kênh lâu ngày chưa được thông và nạo vét gây bồi lắng nên tiêu thoát chậm. Trên các kênh trước và sau hồ Bảo Lộc 1 và 2 có nhiều hộ lấn chiếm, căng lưới nuôi cá… làm cản trở dòng chảy.

Khu vực phường Lê Hồng Phong, ngập úng thường xảy ra ở một số vị trí: đường Lý Thái Tổ, đường Đề Yêm, khu dân cư hai bên đường Đề Yêm. Nguyên nhân là do khi mưa lớn kéo dài nước trên kênh Ngòi Ruột dâng cao và khả năng tiêu thoát chậm. Tại khu vực trên, việc thiết kế thi công hệ thống cống thoát nước của phía đông tuyến đường D5 chưa hợp lý, tiết diện nhỏ D600 kéo dài 1,5 km, phía tây cống dọc đường D5 có tiết diện D1000 đến 2000 thường xuyên thiếu nước, song lại chưa có cống chảy ngang đường để cống phía đông tiêu sang hệ thống cống phía tây.

Đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Phủ Lý) cũng biến thành sông sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: T.T

Trước tình trạng trên, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam đã báo cáo với UBND thành phố về thực trạng tiêu thoát nước toàn thành phố. Giải pháp khắc phục trước mắt là doanh nghiệp thường xuyên nạo vét cống, khơi thông những điểm hay ách tắc, quét dọn mặt đường không để rác chảy xuống cống. Về lâu dài, công ty kiến nghị với thành phố: Quy hoạch, thiết kế thi công hạ tầng phải đồng bộ với quá trình phát triển đô thị hóa; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, trong đó ưu tiên đấu nối hệ thống cống thoát nước; các doanh nghiệp đang xây dựng công trình ở khu vực nội thành, đào bới làm cản trở dòng chảy ở các cống cần sớm nạo vét trả lại hiện trạng ban đầu; giải phóng, khơi thông hệ thống kênh tiêu khu vực ngoại thành; xây dựng cống tiêu qua đường D5.

Về vấn đề này, ông Trương Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Phủ Lý cho biết: Toàn bộ hệ thống cống tiêu dọc đường Biên Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Quy Lưu được xây dựng từ lâu, tiết diện nhỏ, lại xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng yêu cầu tiêu nước khu vực nội thành. Hiện nay, toàn bộ lượng nước thải, nước mưa ở trung tâm thành phố chủ yếu tiêu thoát qua trạm bơm Mễ với công suất 7.500 m3/giờ, song nhiều khi mặt đường thì vẫn ngập, cuối nguồn lại thiếu nước, máy bơm không hoạt động được hết công suất. Để khắc phục tình trạng ngập úng, thành phố Phủ Lý đã có kế hoạch vay vốn ODA đầu tư cải tạo lại hệ thống đường thoát nước khu vực đường Biên Hòa và một số hạng mục chỉnh trang đô thị khác. Nếu như dự án khả thi, thành phố sẽ xây lại hệ thống đường cống thoát nước với quy mô lớn và phần lớn lượng nước mưa ở khu vực nội thành sẽ được thu gom về hệ thống cống tiêu ở đường Biên Hòa, chảy ra trạm bơm Mễ. Có như vậy, thành phố mới sớm khắc phục được tình trạng ngập úng khu vực nội thành.

Trần Hữu

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy