Nhằm bảo đảm tiến độ lắp đặt công tơ điện tử theo chỉ đạo của Công ty Điện lực tỉnh, thời gian qua, Điện lực huyện Bình Lục đã tập trung đẩy nhanh việc lắp đặt công tơ điện tử (có chức năng đo xa) thay thế công tơ cơ khí cho người dân và đây cũng là giải pháp để Điện lực Bình Lục góp phần cùng với ngành điện từng bước hiện đại hóa hệ thống điện trên địa bàn.
Việc thay thế công tơ điện giúp đơn vị nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành lưới điện và chất lượng kinh doanh dịch vụ, hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Đáng chú ý việc làm này đã giảm tối đa nhân công ghi chỉ số trên lưới, chủ động thời điểm ghi chỉ số công tơ, giảm nguy cơ tai nạn và tăng năng suất lao động. Trong quá trình thực hiện đơn vị đã khảo sát hiện trường, lựa chọn vị trí lắp thiết bị đo xa phù hợp với từng trạm biến áp, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực thi công.
Trên cơ sở họp thống nhất phương án, Ban lãnh đạo Điện lực huyện đã phát động phong trào thi đua với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, khắc phục khó khăn quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra; đồng thời huy động cán bộ công nhân viên tham gia đầy đủ, kể cả ngày nghỉ; phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân đảm nhiệm theo quy trình, thủ tục phiên, phiếu công tác tại hiện trường. Trong tổng số hơn 63 nghìn công tơ của khách hàng, năm 2022, Điện lực huyện đã thay thế được 14.593 công tơ điện tử, nâng tỷ lệ công tơ đọc xa lên 46,09%; năm 2023 tăng 75,6% và đến thời điểm này toàn huyện lắp đặt được trên 81% tổng số công tơ điện tử.
Việc thay công tơ điện tử hằng năm được triển khai theo đúng kế hoạch, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, không để xảy ra sai sót ở mỗi khâu kỹ thuật. Từ đó, góp phần chỉnh trang lưới điện, giảm tổn thất lưới điện hạ áp. Năm 2023 tỷ lệ tổn thất điện năng của Bình Lục giảm xuống còn dưới 4,13%. Năm 2024, toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất lưới điện hạ áp còn dưới 4%.
Theo ông Phan Công Toàn, Giám đốc Điện lực huyện Bình Lục, sau khi lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn đã vận hành ổn định, tỷ lệ cháy hỏng thấp, việc ghi chỉ số bằng sóng radio và đường truyền dữ liệu về máy chủ nhanh, giảm nhân lực so với phương pháp truyền thống. Trước đây, ghi chỉ số 500 công tơ điện cơ cần 3,5 - 3,7 ngày công, nhưng hiện nay thời gian giảm xuống chỉ còn một giờ. Việc lắp công tơ điện tử gắn với ghi chỉ số từ xa đã giảm thời gian lập hóa đơn, đáp ứng nhanh các yêu cầu về báo cáo tổng hợp, cung cấp kịp thời số liệu cho công tác quản lý tổn thất điện năng.
Ngoài ra, công tơ điện tử giúp đọc được dữ liệu lưu trong mọi thời điểm như thông số vận hành, chỉ số chốt, sản lượng, biểu đồ phụ tải, dòng điện, điện áp, công suất sử dụng... phục vụ hiệu quả công tác quản lý, phân tích, tính toán tổn thất điện năng một cách chính xác và công tác kiểm tra, giám sát mua bán điện giữa các bên. Đồng thời giám sát việc sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải đã đăng ký để kịp thời tổ chức kiểm tra, tư vấn cho khách hàng sử dụng điện bảo đảm an toàn.
Với những tính năng nổi trội và ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, công tơ điện tử đã góp phần minh bạch trong kinh doanh điện năng; giải quyết triệt để vấn đề thu thập, quản lý số liệu đo đếm và tự động hóa, hiện đại hóa thông tin phục vụ khách hàng.
Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ hoàn thành xong việc lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn, Điện lực huyện đã xây dựng phương án cụ thể, bố trí nhân lực phù hợp để sẵn sàng thực hiện thay thế công tơ điện tử nhằm phù hợp với lộ trình chuyển đổi số, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh mà ngành điện đã đề ra.
Phùng Thống