Sau khi thành phố Phủ Lý áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, tại nhiều địa phương, việc ra đường của người dân đã buộc phải hạn chế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Cũng bởi vậy, dịch vụ “đi chợ online”, hay “đi chợ hộ” đã dần trở nên quen thuộc, được nhiều người dân thành phố Phủ Lý lựa chọn.
Do tình hình dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp, nhiều người dân bắt đầu hạn chế ra đường để tránh lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Vì thế, lượng người tập trung ở các chợ, siêu thị... đã giảm đi đáng kể. Thay vào đó, xu hướng “đi chợ online” lên ngôi. Dịch vụ đi chợ hộ cho đến nay được rất nhiều người tin tưởng lựa chọn.
Chị Lại Thị Nga (phường Lê Hồng Phong) cho biết: Trước đây, chị thường xuyên tới các siêu thị để mua thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên khi có thông tin về ca nhiễm Covid-19 ở Phù Vân, chị đã chuyển qua sử dụng dịch vụ đặt mua hàng online của siêu thị Vinmart. Theo chị Nga, việc đặt mua thực phẩm online giúp chị không phải ra đường, hạn chế tiếp xúc với nhiều người ở nơi công cộng, tránh lây nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng.
Cũng có cùng nỗi lo ngại giống chị Nga, nhiều người dân lại lựa chọn dịch vụ “đi chợ hộ” của một số tiểu thương tại chợ gần nhà. Vốn là chỗ mua hàng quen biết, những ngày này, chị Phạm Thị Hạnh (đường Lý Thường Kiệt) sẽ lên một danh sách những loại và số lượng thực phẩm thiết yếu rồi gọi điện đặt hàng các tiểu thương tại chợ giao hàng tận nhà.
Theo chị Hạnh, “đi chợ hộ” mang tới nhiều tiện ích nhưng cũng có một số hạn chế: Đôi khi tôi không mua được món hàng mình muốn vì bị hạn chế bởi các số lượng quầy hàng quen biết. Chưa kể, chất lượng và giá thành sản phẩm đôi khi không được như ý muốn vì mình không thể trực tiếp lựa chọn.
Hệ thống siêu thị Vinmart Hà Nam đã triển khai dịch vụ “đi chợ online” được một thời gian, tuy nhiên chỉ từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì dịch vụ này mới được người dân quan tâm, sử dụng.
Theo anh Phạm Văn Thắng, Trưởng ca kỹ thuật Siêu thị Vinmart (tầng B1, Trung tâm thương mại Vincom): Những ngày gần đây, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ “đi chợ online” chiếm từ 40-50% tổng lượng khách của siêu thị. Mỗi nhân viên sẽ được phân công chịu trách nhiệm một đơn hàng kể từ khâu nhận điện thoại/tin nhắn đặt hàng, lấy hàng theo danh sách, tính giá tiền, liên hệ và giao hàng tận nơi cho khách hàng. Việc thanh toán sẽ áp dụng hình thức chuyển khoản trực tuyến hoặc trả tiền mặt khi khách hàng kiểm tra và nhận hàng.
Đối với những khách hàng nằm trong khu vực hạn chế đi lại, nhân viên sẽ giao hàng tới chốt kiểm soát và yêu cầu khách hàng ra chốt để nhận. Để bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như khách hàng trong quá trình giao-nhận hàng, toàn bộ nhân viên đã được tập huấn và trang bị những kỹ năng, biện pháp phòng dịch theo đúng yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Không chỉ có thực phẩm, thuốc cũng là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người dân trong thời điểm dịch bệnh hiện tại. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu đã tăng cường triển khai dịch vụ nhận đặt hàng qua số điện thoại hotline và nhóm zalo.
Chị Trần Thu Hương, nhân viên nhà thuốc FPT Long Châu cho biết: Những ngày gần đây, cả 3 nhà thuốc trong hệ thống FPT Long Châu tại thành phố Phủ Lý thường nhận được khoảng 100 lượt đặt hàng mua thuốc mỗi ngày. Toàn bộ nhân viên cửa hàng đã làm việc hết công suất để nhận đơn và giao hàng tận nơi cho khách. Nhóm sản phẩm được người dân đặt hàng nhiều nhất là thực phẩm chức năng, tăng sức đề kháng và thuốc dự phòng chữa trị một số bệnh cơ bản.
Trước khuyến cáo hạn chế ra đường để phòng ngừa dịch bệnh, việc mua sắm trực tuyến là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Những mặt hàng cần thiết hằng ngày như thức ăn tươi sống, nhu yếu phẩm, thuốc men... cũng không nằm ngoài nhu cầu mua sắm trực tuyến đó. Tuy mang đến nhiều lợi ích song việc mua hàng trực tuyến và giao nhận tại nhà cũng tồn tại một số hạn chế. Người tiêu dùng nên lựa chọn những nhà cung cấp uy tín để tránh việc mua phải những sản phẩm không bảo đảm và giá thành không ưng ý.
Ngày 25/9/2021, UBND thành phố Phủ Lý ban hành phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong khu vực áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, khu phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Trong đó yêu cầu các chợ, cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu tăng cường triển khai áp dụng công nghệ thông tin (mua bán hàng qua mạng, giao hàng tại nhà ...) để đáp ứng nhu cầu mua bán hàng trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống không để xảy ra tình trạng thiếu hàng đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu (gạo, mỳ tôm, thực phẩm, dầu ăn...). Xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển thực hiện điều tiết hàng hóa đến các khu vực có điểm bán hàng được xác định trên địa bàn thành phố. Tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu của nhân dân theo sự điều tiết của chính quyền địa phương.
Nguyễn Khánh