Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó, Bộ đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Lúa gạo là 1 trong 15 sản phẩm được đề nghị là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Các sản phẩm được đề xuất gồm: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, sắn và sản phẩm từ sắn, sâm, rau quả, thịt heo, thịt bò, gà, cá tra, tôm (gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm), gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Hiện tại, xuất khẩu nông sản Việt đã vươn lên đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Với dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 40-41 tỷ USD, có thể thấy các sản phẩm nông nghiệp sẽ tiếp tục là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2018 và cả những năm tiếp theo.
Nhà sản xuất, người tiêu dùng cùng các bên trung gian cần tăng cường trao đổi thông tin, tháo gỡ những rào cản về phi thuế quan, truyền thông về thị trường hàng hóa minh bạch thông tin, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực. Đơn cử câu chuyện tỉnh Hưng Yên kết nối cung cầu cho quả nhãn, mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Vào tháng 8, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản tỉnh. Tại sự kiện, tỉnh cho biết nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, chợ đầu mối rau quả ở thành phố Hà Nội và TPHCM. Không chỉ tiêu thụ tại các thị trường nội địa, nhãn tươi và long nhãn được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, quảng bá và giới thiệu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc…
Tại một số cuộc hội thảo gần đây, các chuyên gia ngành nông nghiệp cùng các nhà phân phối lớn đều cho rằng, muốn phát triển bền vững, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần hướng tới việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, và đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp cần phải sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Cùng với đó, mô hình hợp tác giữa các bên tham gia vào thị trường cần được thắt chặt, có đơn vị đảm nhiệm chức năng điều phối và xây dựng cơ chế hợp tác rõ ràng nhằm tạo ra sự tin cậy lẫn nhau. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro từ tình trạng phá vỡ hợp đồng, tạo điều kiện cho phương thức tiêu thụ theo mô hình hợp tác giữa các bên, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà kinh doanh và người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng cũng có nhiều kênh tiếp cận thông tin về hàng hóa, từ đó đưa ra sự lựa chọn cho việc mua sắm cho mình.
Trên thực tế, cùng với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới là đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam. Để làm được điều này, không chỉ có phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường, việc kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng tại thị trường nội địa cũng cần được thúc đẩy.
Theo baochinhphu.vn
Duy Nam