Thu ngân sách của Hà Nam tăng trưởng cao

2017 là năm thứ hai thực hiện công tác tài chính - ngân sách giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách của Hà Nam tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước thực hiện được 6.150 tỷ đồng, tăng 128% so với dự toán trung ương giao; 122% kế hoạch địa phương phấn đấu.

THU NGÂN SÁCH DUY TRÌ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG

Dây chuyền sản xuất bia lon của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phủ Lý. Ảnh: Thế Tuân

Năm 2017, về cơ bản, các chỉ tiêu thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đều đạt, vượt so với cùng kỳ và dự toán trung ương giao, dự toán địa phương phấn đấu. Thu ngân sách ước thực hiện được 6.150 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2016, đạt 128% so với dự toán trung ương giao, 122% so với dự toán địa phương phấn đấu và bằng 16,15% GRDP theo giá hiện hành năm 2017. Trong đó, thu nội địa 4.950 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 1.200 tỷ đồng. Nhiều chỉ tiêu ước thực hiện đạt tỷ lệ cao so với dự toán: Thu tiền sử dụng đất, thu thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Điều đáng chú ý là các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí ước thực hiện 4.238 tỷ đồng, tăng cao so với năm 2016 và chiếm 85% tổng thu nội địa. Trong đó, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực kinh tế 3.467,6 tỷ đồng; tăng cao so với dự toán trung ương và địa phương phấn đấu. Một số doanh nghiệp có số thu nộp ngân sách lớn như: Chi nhánh Honda Hà Nam, Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phủ Lý, Chi nhánh xăng dầu Hà Nam, Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty TNHH Number One...

So với mục tiêu đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, năm 2017 thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn vượt kế hoạch tỉnh giao. Có được kết quả này là do cơ quan thu, các cấp, các ngành trong tỉnh phối kết hợp chặt chẽ để triển khai công tác thu từ khâu rà soát, bổ sung, điều chỉnh các căn cứ thu làm cơ sở để tổ chức thu thuế, phí và các nguồn thu khác được thông thoáng, kịp thời.

Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư, nuôi dưỡng, khai thác, quản lý nguồn thu luôn được tỉnh quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tăng thu ngân sách nhà nước. Một nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách do đã hết thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.

Tuy tổng thu ngân sách tăng cao, nhưng vẫn còn một số khoản thu, lĩnh vực thu có số thu không đạt dự toán giao, thậm chí có khoản thu, lĩnh vực thu thấp hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, vẫn còn 5 khoản thu chưa đạt kế hoạch so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thu lệ phí trước bạ, thu tiền bảo vệ phát triển đất lúa và xổ số kiến thiết.

Nguyên nhân thu không đạt là do dự toán giao chưa sát thực tế (giao cao); do cơ chế điều hành thu của Trung ương khấu trừ thuế thay vì hoàn thuế; hoạt động tiêu thụ xi măng có một phần chuyển sang xuất khẩu dẫn đến giảm thu nội địa; công tác quản lý thu thuộc lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh còn hạn chế dẫn đến thất thu...

NUÔI DƯỠNG NGUỒN THU ĐI ĐÔI VỚI CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH 

Một góc dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sinfonia Microter Việt Nam,  KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Ảnh: Thế Trang

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020, năm 2018, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được HĐND tỉnh quyết định  là 6.808 tỷ đồng, tăng 11% so với ước thực hiện năm 2017 và tăng 3% so với dự toán trung ương giao. Trong đó thu nội địa 5.403 tỷ đồng và thuế xuất nhập khẩu 1.405 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của các ngành, các cấp mới có thể hoàn thành được.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế để phấn đấu thực hiện hoàn thành  dự toán thu cân đối NSNN, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu ngân sách. 

Ông Trịnh Văn Thế, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được số thu ngân sách năm 2018 là phải nắm bắt kịp thời và có các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm chính, chủ lực nhằm duy trì số thu ổn định như bia, sữa, nước giải khát, xi măng, xe máy của Công ty Honda...

Để bảo đảm thu cân đối ngân sách bền vững, ngành tài chính tham mưu với tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh bảo đảm thân thiện môi trường, tiết kiệm đất, tiết kiệm lao động và có số thu nộp ngân sách trên một đơn vị diện tích cao. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thu hút đầu tư.

Gắn các chính sách ưu đãi đầu tư với thực hiện cam kết đầu tư. Chỉ áp dụng ưu đãi đầu tư khi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết đầu tư. Yếu tố quan trọng khác là cần tăng cường hoạt động của các Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách ở các cấp, của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn và Ban chỉ đạo chống gian lận thương mại, buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Tăng cường công tác phối kết hợp giữa ngành với ngành, ngành với cấp; cơ quan nhà nước với các cơ quan nội chính và Ủy ban MTTQ các cấp trong chống thất thu ngân sách.

Thanh Bình

Tiến Đoàn, Thế Trang, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy