Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam và các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã chủ động trong việc tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Kết quả, nhiều doanh nghiệp sau khi được ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, mở rộng nguồn vốn cho vay... đã từng bước khôi phục lại sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ, ngày 16/5/2016 "Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020" Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp cân đối vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Trên cơ sở đó, các NHTM trong tỉnh thường xuyên rà soát lại từng khoản vay của doanh nghiệp, cân đối lại vốn, từng bước hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Hiện, các NHTM trong tỉnh đang cho vay với lãi suất phổ biến 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trên 9 -11%/năm đối với trung và dài hạn. So với đầu năm 2017, phần lớn nguồn vốn giải ngân vẫn được duy trì ổn định lãi suất, một phần nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đã giảm lãi suất từ 0,5 – 1%/năm.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Dệt Hà Nam. Ảnh: Lương Thế

Ông Trần Sỹ Trương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Lý Nhân cho biết: Dư nợ của chi nhánh được hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó có khoảng 35% nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp vay đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của hệ thống ngân hàng cấp trên, chi nhánh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất gạch nung, đơn vị đã rà soát lại một số khoản vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho một số món với mức giảm 1%/năm.

Đối với các doanh nghiệp dệt may gặp hỏa hoạn, khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, ngoài cơ cấu lại nợ, chi nhánh cũng tham mưu với cấp trên điều chỉnh giảm lãi suất có món tới 2%/năm (còn 7%/năm) để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Cũng như Agribank Lý Nhân, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc rà soát lại từng món vay của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, trong quý III/2018, các NHTM đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng đạt 740,3 tỷ đồng, với 2.269 món vay, trong đó số tiền điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là 141,3 tỷ đồng, với 323 món; số tiền thực hiện gia hạn nợ là 599 tỷ đồng, với 1.946 món.

Trong tổng số vốn được cơ cấu lại thời gian trả nợ trên, số tiền mà các doanh nghiệp được gia hạn nợ là 440 tỷ đồng với 192 món; được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 68,9 tỷ đồng với 5 món. Trong quý III, các doanh nghiệp cũng được NHTM điều chỉnh giảm lãi suất là 4 món, với số tiền là 0,46 tỷ đồng.

Trong quý IV/2018, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng với các tổ chức tín dụng tập trung: Khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp; triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp; phối hợp với một số sở, ngành, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để cung cấp thông tin về nhu cầu vốn của các doanh nghiệp... nhằm chủ động về nguồn vốn để mở rộng đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như xem xét, giải quyết đề nghị của khách hàng.                                         

Trần Thoan

Trần Thoan, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.