Ổn định sản xuất sau mưa, lũ

Sau nhiều ngày phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện nay các cơ sở khai thác chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực bờ tây sông Đáy (thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm) đã hoạt động trở lại. Từ ngày 16/10/2017, mặc dù mực nước trên sông Đáy vẫn còn khá cao nhưng nhiều cầu cảng đã có tàu vào “ăn” hàng.

Thời gian vừa qua, mưa lớn kéo dài đã khiến cho nhiều cơ sở khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực tây Đáy bị ngập úng, buộc phải ngừng sản xuất. Nước lũ có chỗ lên đến trên 1m làm ngập xưởng mỏ và hư hỏng một số thiết bị máy móc (mô tơ điện); cầu cảng máng rót không hoạt động được vì nước lũ dâng cao.

Ông Đào Xuân Ảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (Thanh Liêm) cho biết: Trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp khai thác, chế biến đá thì tất cả đều bị ngập nước không sản xuất được. Theo dõi thấy nước dâng cao, xã điện báo yêu cầu các doanh nghiệp cử lực lượng ứng trực, phải cắt điện để bảo đảm an toàn trong khu vực và cho người dân đi lại. Do phía đầu cầu treo ở thôn Tân Hưng bị ngập sâu, để phục vụ người dân đi lại, trong đó có cả công nhân của các công ty và theo yêu cầu của các đơn vị sản xuất, UBND xã đã chi ngân sách 10 triệu đồng mua cây cầu tạm (do người dân làm) dài 30m từ thôn Tân Hưng ra đến mố cầu treo bảo đảm đi lại thuận tiện. Đến ngày 18/10, cây cầu tạm mới được dỡ bỏ. 

Hoạt động tại cầu cảng của Công ty cổ phần đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà.

Theo ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Tường, trong suốt một tuần lễ vừa qua, hầu như hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở khai thác, chế biến đá phải ngừng hoàn toàn do mưa và nước lớn trên núi tràn xuống, dưới sông dâng lên.

Chưa có thống kê đầy đủ nhưng ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các cơ sở khai thác, chế biến đá lên đến hàng chục tỷ đồng. Tại Công ty TNHH Xuân Tường, sét đánh làm cháy trạm điện, công ty đã phải đầu tư 400 triệu đồng tu sửa lại. Còn ở Công ty TNHH Văn Hoa, nước dâng cao làm cho khoảng 50 tấn vôi tan trong nước. Riêng trên địa bàn xã Thanh Tân có hàng trăm lao động phải nghỉ việc... Anh Nguyễn Văn Sơn (lái xe tải) nói: Tôi phải nghỉ mất khoảng mười ngày làm việc, lương tính theo chuyến xe nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập. Anh Phạm Văn Nguyên (Công ty cổ phần đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà) cho biết: Nước ngập, công ty phải dừng sản xuất trong 1 tuần. Tính theo lượng hàng xuất tại cảng, công ty thiệt hại từ 400-500 triệu đồng (tiền bán sản phẩm đẹp), còn nếu sản phẩm bình thường cũng mất khoảng 200 triệu đồng.

Một số doanh nghiệp khác khi được hỏi đều nói rằng nếu tính thiệt hại tài sản và thiệt hại do phải ngừng sản xuất  là khá lớn.

Ngay sau khi nước rút, những cơ sở khai thác, chế biến đá có thiết bị hư hỏng đã tập trung sửa chữa, dọn dẹp nhà xưởng ổn định sản xuất trở lại. Tại Công ty cổ phần đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà, phần lớn khu vực mỏ bị ngập nước khiến toàn bộ hoạt động sản xuất bị ngừng trệ. Do nước lên nhanh, có một số thiết bị (mô tơ) bị hư hỏng, hiện một số máy vẫn đang được sửa chữa. Bắt đầu từ ngày 18/10, công ty sản xuất bình thường trở lại. Tại bến cảng của công ty, tàu đã vào “ăn” hàng. Anh Nguyễn Huy Hùng (Công ty cổ phần đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà) nói: Đến ngày 18/10, công ty hoạt động bình thường trở lại. Các tổ đội sản xuất cũng đã tập trung đầy đủ. Cũng rất may đơn vị có một cầu phao nên mặc dù nước trên sông vẫn còn cao nhưng cũng đã rót được hàng xuống tàu.

Còn tại Công ty TNHH Văn Hoa, trong các ngày 16-17/10 đã huy động nhân công dọn dẹp nhà xưởng, thu gọn đống vôi nước, đến ngày 18/10 bắt đầu sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH Văn Hoa nói cho biết: Mưa to, lũ dâng cao hơn 1m, vôi thành phẩm không kịp chạy tan hết trong nước. Mưa dứt, lũ rút, người lao động cũng muốn có việc làm nên công ty cũng đã sớm dọn dẹp đi vào sản xuất. Lo nhất là sau lũ sản xuất không đáp ứng được đơn hàng đã ký với đối tác nước ngoài.

Mặc dù đã trở lại sản xuất, nhưng những khó khăn sau mưa lũ vẫn chưa hết. Nhiều doanh nghiệp, dây chuyền nghiền đá hoạt động nhưng cũng chỉ làm ra sản phẩm đá 1x2 do đá ướt và dính đất. Sản phẩm được chế biến trước khi xảy ra mưa lũ thấm nước, mẫu mã xấu nên chưa tiêu thụ mạnh. Tại Công ty cổ phần Vissai Hà Nam, mặc dù trong những ngày mưa lũ không phải dừng hoạt động nhưng đến nay sản xuất vẫn trong tình trạng cầm chừng. Do nguồn nguyên liệu bị ngập lâu trong nước, ẩm ướt phải sấy khô mới sản xuất được. Một cán bộ Công ty cổ phần Vissai Hà Nam cho biết: Việc phải sấy nguyên liệu khô đã làm tăng chi phí, kéo dài thời gian sản xuất của sản phẩm, trong khi hiện đang là thời gian cao điểm của sản xuất. Đây cũng chính là khó khăn lớn sau mưa lũ.

Chủ động khắc phục khó khăn, nhiều cơ sở khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng đang từng bước ổn định sản xuất nhằm bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường xây dựng dịp cuối năm.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy