Khó khăn trong xử lý nước thải tại các làng nghề

Hà Nam hiện có gần 200 làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng hóa chất để xử lý sản phẩm ở từng công đoạn. Nước thải sản xuất chảy về ao hồ, kênh mương ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, tất cả các làng nghề đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung.

Tình trạng nước thải từ sản xuất gây ô nhiễm môi trường hiện đang tập trung chủ yếu tại các làng nghề truyền thống như dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên), dệt Hòa Hậu (Lý Nhân), rũa Đại Phu, xã An Đổ (Bình Lục), thêu ren xã Thanh Hà (Thanh Liêm), bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân).

Ông Đặng Xuân Đạo, Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý cho biết: Xã có 3 làng nghề, trong đó có 15/20 thôn, xóm đều có hộ sản xuất bánh đa nem. Bình quân mỗi ngày ở Nguyên Lý sản xuất khoảng 700 tấn bánh đa nem và theo thống kê sơ bộ một ngày trên địa bàn tiêu thụ khoảng 10 tấn than. Vì vậy, ngoài lượng khí CO2, nước thải trong quá trình sản xuất thải ra môi trường khá lớn.

Bên cạnh đó, hầu hết các gia đình còn tận dụng sản phẩm thừa từ nguyên liệu sau chế biến bánh đa nem phục vụ chăn nuôi từ đó phát sinh thêm lượng nước thải ra kênh mương, ao, hồ. Nhiều năm qua, xã đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nguồn nước thải bảo đảm quy định trước khi thải ra môi trường nhưng vẫn chưa được thực hiện".

Cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ bằng vỏ trai, ốc của gia đình anh Nguyễn Văn Công, thôn Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục). Ảnh: Yến Nhi

Theo kết quả phân tích của cơ quan chuyên môn đối với mẫu nước ao, hồ tại các làng nghề này về một số chỉ tiêu lý, hóa quan trọng như: BOD, COD và coliform đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong đó, chỉ tiêu BOD vượt từ 4,5 - 24,7 lần, COD vượt từ 12,32 - 72 lần so với tiêu chuẩn TCVN 5942-1995.

Thực tế, những năm qua, tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng trạm xử lý nước thải tại một số cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn nhằm xử lý nước thải của doanh nghiệp, các hộ sản xuất của làng nghề trong khu vực. Tuy nhiên, các trạm xử lý nước thải chưa thực sự phát huy hiệu quả đầu tư.

Tại CCN Nhật Tân (Kim Bảng) năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng 2 trạm xử lý nước thải cách CCN khoảng 1 km nhằm thu gom nước thải của các doanh nghiệp trong cụm và nước thải của các hộ sản xuất ở làng nghề Nhật Tân, nhưng đến năm 2012 cả hai trạm đã ngừng hoạt động do thiết kế không phù hợp.

Công trình xây dựng trên cốt nền cao hơn mặt cống, vì vậy không thu được nguồn nước thải về trạm xử lý tập trung. Hiện nay, máy móc không được định kỳ bảo dưỡng nên nhiều thiết bị đã xuống cấp.

Còn trạm xử lý nước thải tập trung tại CCN Cầu Giát (Duy Tiên) được đầu tư khoảng 17 tỷ đồng với công suất 1.200m3/ngày, đêm, mặc dù đã vận hành từ tháng 6/2017 nhưng hiện mới chỉ phục vụ xử lý nước thải cho 8 doanh nghiệp tại cụm và khai thác mới đạt khoảng 30% công suất thiết kế. Còn nước thải ở làng nghề của các xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam vẫn không được thu gom do chưa thực hiện xây dựng hệ thống đường ống đấu nối thu gom nguồn nước thải về khu vực xử lý tập trung.

Tại CCN Hòa Hậu, trạm xử lý nước thải được xây dựng có công suất 200m3/ngày, đêm được hoàn thành và đưa vào vận hành từ đầu năm 2017 để xử lý nước thải từ CCN và làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu. Thế nhưng trong quá trình hoạt động, lượng nước thải của doanh nghiệp tại CCN và các hộ sản xuất tẩy, nhuộm, in vải của làng nghề vượt quá nhiều lần so với khảo sát thiết kế ban đầu, khiến cho việc thu gom xử lý nước thải tập trung không bảo đảm yêu cầu.

Nước thải chưa được xử lý triệt để gây ứ đọng, chảy tràn ra khu vực xung quanh. Do vậy, giữa năm 2017, trạm đã phải ngừng hoạt động để các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công thực hiện công tác thu gom, xử lý lượng nước thải tồn đọng, đồng thời nghiên cứu giải pháp bổ sung công nghệ xử lý tối ưu bảo đảm nguồn nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. 

Để khai thác có hiệu quả các trạm xử lý nước thải tập trung đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn, theo đánh giá của ngành chức năng trước hết cần tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm đang vận hành, đặc biệt với trạm xử lý nước thải tập trung của CCN Nhật Tân cần bổ sung kinh phí đầu tư, sửa chữa hệ thống đường ống và trang thiết bị để hoạt động.

Bên cạnh đó, các địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp kinh phí kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng hệ thống thu gom nước thải về các trạm xử lý tập trung.                                                     

Phùng Thống

Đức Thống, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy