Khó khăn trong việc tìm mặt bằng xây dựng công trình chống quá tải lưới điện

Trước nhu cầu của phụ tải tăng cao, nhiều năm qua Công ty Điện lực Hà Nam đã tập trung chống quá tải bằng cách bổ sung, nâng cấp trạm biến áp (TBA), thay thế lắp đặt mới đường dây… nhằm hạn chế quá tải cục bộ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai chống quá tải, ngành điện gặp không ít khó khăn khi tìm mặt bằng để thi công xây dựng các công trình.

TBA ki ốt ở khu vực phường Minh Khai (TP. Phủ Lý).

Dự án đầu tư xây dựng đường điện phục vụ khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn IV chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng thi công. Cụ thể, ngày 9/5/2017, Công ty Điện lực Hà Nam nhận được Công văn số 30/BQL - QLDA của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Viglacera về việc cấp điện cho KCN Đồng Văn IV. Trên cơ sở đó, Công ty Điện lực Hà Nam đã lập phương án đầu tư cấp điện cho KCN Đồng Văn IV theo hình thức kéo một đường dây 22kV từ TBA 110 kV Đồng Văn tới KCN Đồng Văn IV, dự kiến hoàn thành và đóng điện trước ngày 30/6/2017.

Tuy nhiên, hết thời gian trên, Công ty Điện lực Hà Nam vẫn chưa thi công được do không có mặt bằng để kéo đường dây. Phương án công ty đưa ra, kéo đường dây dọc hành lang an toàn giao thông quốc lộ 38, đi dưới gầm cầu vượt Đồng Văn, song vẫn chưa được Cục Quản lý đường bộ (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) chấp thuận.

Ông Kim Văn Tuyên, Phó Trưởng phòng Đầu tư Xây dựng, Công ty Điện lực Hà Nam cho biết: Toàn bộ phương án đầu tư thi công đường dây kéo từ TBA 110 kV Đồng Văn tới KCN Đồng Văn IV đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ cần có mặt bằng là thi công ngay để phục vụ điện cho nhà đầu tư. Ban đầu, Cục Đường bộ nhất trí cho đi theo đường ngầm dọc hành lang ATGT QL 38 và đoạn qua QL 1A cho đi dưới gầm cầu vượt, sau đó lại điều chỉnh không cho dây đi dưới gầm cầu.

Hiện tại Cục Đường bộ đã có văn bản đề nghị một số ngành của tỉnh khảo sát lại để thi công đường dây cho hợp lý và phương án đưa ra: đi đường dây ngầm dọc hành lang ATGT QL 38 đến QL 1A phải khoan ngầm cho dây qua đường sắt, QL1 A. Do thay đổi mặt bằng thi công nên Công ty Điện lực Hà Nam phải hoàn tất lại thủ tục và thay đổi phương án thiết kế, dẫn tới công trình điện phục vụ cho KCN Đồng Văn IV bị chậm.

TIN LIÊN QUAN

Hưởng ứng Giờ trái đất: Toàn tỉnh tiết kiệm khoảng 11.000 kWh điện

Hưởng ứng Giờ trái đất năm 2017, tối 25/3 Sở Công thương phối hợp với Công ty Điện lực Hà Nam phát động các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình tắt điện trong một giờ (từ 8 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút).



Dự án kéo đường dây điện phục vụ KCN Đồng Văn IV chỉ là một trong nhiều điểm khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng thi công hạ tầng chống quá tải cho lưới điện. Thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Nam đã chú trọng đầu tư chống quá tải lưới điện. Một trong những giải pháp mà công ty đưa ra, đó là chỉ đạo điện lực các huyện, thành phố rà soát lại toàn bộ lưới điện, xác định "vùng lõm" về chất lượng trong việc cấp điện, từng bước cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ chính: Bổ sung TBA nhằm giảm bán kính cấp điện tới hộ dân; thay thế một phần đường dây trần bằng dây bọc; lắp đặt công tơ mới; đấu nối lại các điểm tiếp xúc; cân đối lại pha cấp điện; phát quang hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên, trong quá trình chọn vị trí mặt bằng để xây dựng TBA gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực thành phố Phủ Lý.

Theo ông Tuyên, khi ngành điện phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát địa hình, xây dựng TBA bảo đảm phù hợp với bán kính cấp điện của những phụ tải cuối nguồn, khi chọn được vị trí hợp lý, chính quyền đồng ý, song người dân gần đó lại không chấp nhận, phản đối kịch liệt, dẫn tới phương án thiết kế phải thay đổi, làm kéo dài thời gian đầu tư, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho người dân.

Theo tổng hợp của Công ty Điện lực Hà Nam, từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã đầu tư lắp đặt bổ sung thêm hơn 300 TBA có công suất từ 400 KVA/TBA để chống quá tải và nâng cao chất lượng dịch vụ điện phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, việc tìm mặt bằng, giải phóng mặt bằng và thay đổi vị trí thi công ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng công trình và chất lượng dịch vụ điện. Để việc chống quá tải hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của nhân dân. Về lâu dài, Công ty Điện lực Hà Nam đã có phương án ngầm hóa đường điện hạ áp khu vực nội thị thành phố Phủ Lý và xây dựng hệ thống TBA kiốt nhằm góp phần chỉnh trang đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ điện.

Trần Hữu

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy