Khắc phục ô nhiễm môi trường do sản xuất vôi

Hiện nay, tại thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) có tổng số 28 lò vôi, trong đó 23 lò đang hoạt động, với 05 doanh nghiệp và 06 hộ gia đình sản xuất. Tổng công suất sản xuất đạt 396 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động.

Khắc phục ảnh hưởng môi trường

Vừa qua, người dân Tiểu khu La Mát và phía bắc Tiểu khu Châu Giang (thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm), cùng một số hộ dân khu mỏ đá Lam Sơn (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND thị trấn Kiện Khê về việc Công ty TNHH Văn Hoa, Công ty cổ phần Đức Hồng và một số hộ sản xuất vôi gây ô nhiễm môi trường do khói bụi, xe ô tô trọng tải lớn ra vào khu dân cư gây hư hỏng đường giao thông và mất an toàn giao thông cho người dân trong xóm. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết để không ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Tưới nước để giảm bụi tại khu vực sản xuất của Công ty TNHH Văn Hoa.

Qua tìm hiểu được biết, các lò vôi đang hoạt động chủ yếu theo loại hình lò thủ công liên hoàn, được xây dựng chủ yếu ở ven hai bên bờ sông Đáy, nằm xen kẽ với khu dân cư. Thời gian gần đây, để nâng công suất, nhiều cơ sở đã đầu tư thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất sản phẩm vôi cục và bột vôi. Trong quá trình nung vôi và vận chuyển hàng hoá (sử dụng xe tải trọng lớn) gây khói bụi, tiếng ồn ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Để giải quyết thực trạng này, tại cuộc họp trong tháng 5 vừa qua, UBND thị trấn Kiện Khê đã yêu cầu Công ty TNHH Văn Hoa và Công ty cổ phần Đức Hồng thực hiện các biện pháp khẩn cấp, giảm tối đa ô nhiễm môi trường như: xe chở vật liệu và hàng hoá ra vào không quá tải và phải được che phủ bạt; xử lý bụi do sản xuất vôi và nghiền vôi; không được dùng trụ cẩu ven sông để cẩu đá mà chỉ để cẩu than và không được sản xuất quá khuya hay quá sớm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Ngay sau khi có kết luận của UBND thị trấn Kiện Khê, các cơ sở nung vôi đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tiếng ồn, phát tán khói bụi như: tiết giảm công suất; phun nước mặt đường giao thông, khu sản xuất; chọn, tuyển vôi trong nhà kín tránh khói bụi phát tán ra xung quanh... Tại Công TNHH Văn Hoa duy trì tưới nước thường xuyên khu vực sản xuất và đường giao thông vận chuyển vật liệu, hàng hoá, mua thêm đất để mở rộng và nâng cao lán xưởng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hoá, Giám đốc Công ty TNHH Văn Hoa cho biết: Ngoài các biện pháp như tưới nước, xe chở hàng vào ra không xếp đầy hàng hoá để rơi vãi xuống đường, ở khu vực dọc bờ sông công ty cho dựng một hàng rào tôn cao 6m để hạn chế bụi phát tán. Công ty cũng chuyển sàng rung và công đoạn nghiền vôi bột ra bên ngoài để không gây bụi.

Còn tại Công ty cổ phần Đức Hồng đã cho sắp xếp lại các bộ phận sản xuất khoa học hơn và thực hiện tưới nước giảm bụi, che chắn bụi. Công ty còn thuê lán xưởng tại KCN Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) để nghiền vôi bột, không dùng cẩu than để cẩu đá và cho tạm dừng 2 lò sản xuất vôi.

Sau một thời gian tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục khói bụi và tiếng ồn, môi trường trong khu vực dần được cải thiện, không để người dân bức xúc. Ông Trần Văn Thức, Trưởng Tiểu khu La Mát cho biết: Các doanh nghiệp, chủ lò vôi đã có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đã thực hiện các giải pháp để hạn chế khói bụi, tiếng ồn. Do đó môi trường đã được cải thiện tốt hơn.

Bà Dương Thị Mơ (Tiểu khu La Mát) nói: Sống chung với khói bụi là điều không ai mong muốn. Hiện nay bụi đã giảm nhưng về lâu dài cần di chuyển các cơ sở sản xuất vôi ra địa điểm phù hợp để không làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân.

Mong muốn được giữ nghề truyền thống

Hoạt động sản xuất vôi trên địa bàn huyện Thanh Liêm được hình thành từ hàng trăm năm nay tập trung chủ yếu ở địa bàn thị trấn Kiện Khê và đã trở thành một nghề truyền thống. Nghề được phát triển mạnh mẽ từ thập niên 60 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, gắn với tên tuổi của nhiều doanh nghiệp nhà nước như: Công ty Đá vôi Hà Nam Ninh (nay là Công ty cổ phần đá vôi Hà Nam), Xí nghiệp đá Phủ Lý (thuộc Tổng cục Đường sắt), Xí nghiệp Vôi Thống Nhất (thuộc Sở Xây dựng TP. Hà Nội)... Và còn nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp khác như: Thanh Lâm, Kiện Khê, Mỹ Tho... Đến nay, nghề nung vôi còn tồn tại chủ yếu là mô hình sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình (mang tính truyền thống của cha ông để lại). Thế nhưng nghề dường như còn phát triển mạnh hơn trước, do các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều thiết bị máy móc thay thế lao động thủ công trước đây.

Sản xuất vôi tại Công cổ phần Đức Hồng.

Hiện nay, tại thị trấn Kiện Khê có tổng số 28 lò vôi, trong đó 23 lò đang hoạt động, với 05 doanh nghiệp và 06 hộ gia đình sản xuất. Tổng công suất sản xuất đạt 396 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động.

Thực hiện hướng dẫn của các cấp và lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công và theo lộ trình đề ra thì đến năm 2020, toàn bộ các cơ sở sản xuất vôi ở Kiện Khê phải được xoá bỏ hoặc di dời đến vị trí mới. Đồng tình với chủ trương này, một số cơ sở sản xuất vôi đã viết đơn đề nghị gửi đến UBND thị trấn Kiện Khê với mong muốn sẵn sàng di chuyển đến vị trí mới để được tiếp tục sản xuất nhằm giữ  nghề truyền thống của quê hương. Biết được nguyện vọng của người làm nghề nung vôi, UBND thị trấn Kiện Khê đã tham mưu đề xuất với UBND huyện Thanh Liêm vị trí quy hoạch di chuyển các lò vôi, bảo đảm vừa cách xa khu dân cư và vừa thuận tiện cho  sản xuất kinh doanh tại khu vực Đồng Hấm và Đồng Bầu.

Trong khi chờ quy hoạch mới, Công ty TNHH Văn Hoa và Công ty cổ phần Đức Hồng mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục cho sản xuất để thu hồi  vốn và cam kết thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường. Ông Đinh Văn An, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Theo dự báo nhu cầu sử dụng vôi đến năm 2020 là khoảng 06 triệu tấn/năm để phục vụ thị trường trong nước. Do vậy, việc phát triển công nghiệp sản xuất vôi là đúng hướng và hết sức cần thiết trên cơ sở nghề sản xuất truyền thống hiện nay ở thị trấn Kiện Khê. UBND huyện Thanh Liêm cũng đã đề nghị với tỉnh xin được xây dựng quy hoạch khu sản xuất vôi tập trung tại Kiện Khê, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ gia đình đang sản xuất vôi tiếp tục được đầu tư sản xuất theo công nghệ mới để giữ nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Các cơ sở sản xuất vôi ở Kiện Khê có tâm nguyện được giữ nghề của ông cha để lại. Họ mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện di dời và sớm cho thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất mới theo quy hoạch để duy trì hoạt động sản xuất vôi truyền thống.

Thanh Bình

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy