Hiệu quả sau khi thoái vốn Nhà nước, sắp xếp lại các doanh nghiệp

Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới, thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp của tỉnh sau khi sắp xếp lại, thoái vốn Nhà nước, chuyển đổi mô hình hoạt động đã từng bước phát huy hiệu quả.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam thu gom, vận chuyển rác bằng xe điện ra nơi xử lý. Ảnh: Thế Tuân

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 3 nhóm doanh nghiệp phải thoái vốn, sắp xếp lại, giao bán tài sản của Nhà nước. Nhóm 1 thoái vốn Nhà nước thuộc: Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam, Công ty cổ phần giống cây trồng Hà Nam; Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam, Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Hà Nam, Nhà in Báo Hà Nam. Nhóm 2: sắp xếp sáp nhập Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Kim Bảng và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Duy Tiên về Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Hà Nam và đổi tên thành Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam. Nhóm 3: Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nam, Nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng Văn I chuyển đổi theo hình thức giao bán tài sản cho tư nhân quản lý làm dịch vụ.

Hiện tại, nhóm thoái vốn Nhà nước, bao gồm: Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam, Công ty cổ phần giống cây trồng Hà Nam, Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Hà Nam, Nhà in Báo Hà Nam, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam đã hoàn thành, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo mô hình mới.

Nhóm 2, cũng hoàn thành việc sắp xếp sáp nhập Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Kim Bảng và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Duy Tiên về Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Hà Nam và đổi tên thành Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam.

Nhóm 3, mới có Nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng Văn I chuyển đổi theo hình thức giao bán tài sản cho Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Hà Nam quản lý làm dịch vụ, còn lại Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nam chưa chuyển đổi được mô hình.

Sau khi thoái vốn Nhà nước, sắp xếp lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã có chuyển biến rõ nét. Cụ thể, khi sắp xếp sáp nhập: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Kim Bảng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Duy Tiên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Hà Nam, thành Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam đã giảm được 73 cán bộ, công nhân viên, trong đó số lao động làm gián tiếp giảm xuống còn 8%, tiết kiệm được hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm.

Hơn nữa, hoạt động theo mô hình mới chất lượng dịch vụ đã có chuyển biến, công tác nạo vét kênh cấp 1, sửa chữa cống tưới tiêu, giải tỏa ách tắc dòng chảy trên hệ thống kênh mương đã được quan tâm hơn. Điển hình như: Kênh A46, A48 (khu vực huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý), máng Điện Biên (khu vực huyện Bình Lục), sau nhiều năm bồi lắng đến nay đã được nạo vét, nâng cao năng lực tưới tiêu, phục vụ kịp thời sản xuất nông nghiệp.

Hay việc thoái vốn Nhà nước của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cũng cho thấy hiệu quả. Nếu như trước đây, việc thu gom rác thải bằng xe đẩy thủ công, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp đã sắp xếp lại bộ máy, đầu tư mua sắm xe điện phục vụ việc thu gom rác thải, góp phần nhanh chóng giải phóng được rác ứ đọng trong khu dân cư.

Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cho biết: Với lượng rác thải ở thành phố hiện nay, bình quân một ngày công ty phải thu gom khoảng 80 tấn rác, nếu như không đầu tư nâng cấp phương tiện, công nhân rất vất vả, trong khi lượng rác thải giải phóng rất chậm gây ô nhiễm môi trường. Đối với các dịch vụ khác như quét dọn mặt đường, phun nước rửa đường, nạo vét cống rãnh, điện chiếu sáng… công ty cũng giao trách nhiệm cho từng xí nghiệp, nếu như đơn vị nào không hoàn thành sẽ xử lý theo quy định. Cách làm này đã nâng cao được trách nhiệm đối với từng cán bộ, nhân viên của đơn vị, góp phần xây dựng thành phố Phủ Lý ngày càng "sáng, xanh, sạch, đẹp''.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sau khi thoái vốn Nhà nước, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nâng lên rõ rệt, chất lượng dịch vụ công tốt hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chất lượng dịch vụ của một số doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng. Nhiều người dân còn phản ánh chất lượng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt ở thành phố chưa bảo đảm, nhiều vùng còn bị xâm nhập nước bẩn vào đường ống. Khâu xử lý nước thải ở KCN Đồng Văn I chưa triệt để, làm ảnh hưởng đến môi trường. Việc này cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng đối với các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trần Hữu

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy