Duy Tiên nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN

Trên địa bàn huyện Duy Tiên hiện có 2 cụm công nghiệp (CCN), trong đó, CCN Cầu Giát đã được phê duyệt thiết kế quy hoạch chi tiết giai đoạn I là hơn 17 ha, diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện nay là 8,9 ha; CCN Hoàng Đông có tổng diện tích trên 9,2 ha, đến thời điểm này có hơn 7,4 ha đất đã giao cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất.

Hai CCN của huyện đã thu hút được 25 đơn vị đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD), giải quyết việc làm cho gần 1.900 lao động với thu nhập bình quân năm 2017 đạt từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2017, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ chủ dự án hoàn thành thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường. Các thủ tục về thuê đất được thực hiện nhanh chóng. Đầu năm 2017, tại CCN Hoàng Đông, Công ty cổ phần dinh dưỡng Quốc tế ViCo thuê 3.638m2 đất đã được giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu về tiến độ đầu tư xây dựng của doanh nghiệp.

Tại CCN Cầu Giát, sau 2 năm được Nhà nước đầu tư khoảng 17 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải hỗn hợp sinh học, chế biến nông sản thực phẩm giàu chất hữu cơ với công suất 1.200m3/ngày, đêm, đến tháng 6 năm 2017 trạm hoàn thành, đưa vào vận hành góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm nước thải của 8 doanh nghiệp trong cụm. 

Một góc dây chuyền sản xuất, chế biến nông sản của Công ty Hội Vũ, CCN Cầu Giát, Duy Tiên. Ảnh: Điện Biên

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 679/QĐ-UBND của UBND huyện Duy Tiên ngày 31/12/2011 về việc phê duyệt mức thu tiền sử dụng hạ tầng trong các CCN - TTCN, làng nghề, thời gian qua, Trung tâm Phát triển CCN huyện đã triển khai thực hiện các biện pháp thu phí theo quy định. Nguồn phí thu được hằng năm phục vụ công tác duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, điện, vệ sinh môi trường.

Năm 2016, tại CCN Cầu Giát, trung tâm đã huy động sự đóng góp của doanh nghiệp thực hiện sửa chữa toàn bộ hệ thống vỉa hè và rãnh thoát nước với tổng kinh phí 750 triệu đồng. Tại CCN Hoàng Đông, năm 2016, UBND huyện phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan quân sự Trung ương, các doanh nghiệp tiến hành xây dựng đường trục chính vào CCN với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp đóng góp 500 triệu đồng.

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, những tồn tại của một số dự án trong các CCN cũng được huyện chú trọng xử lý, giải quyết. Cụ thể, CCN Hoàng Đông hiện còn một số dự án SXKD vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuyển đổi mô hình, hoạt động không đúng ngành nghề được chấp thuận theo quy định.

Kết quả kiểm tra mới nhất về việc sử dụng đất và hoạt động SXKD tại CCN Hoàng Đông cho thấy: Trong số 17 đơn vị thuê đất tại CCN có 15 đơn vị đăng ký sản xuất mây tre đan nhưng trên thực tế chỉ có 7 đơn vị thực hiện theo đúng đăng ký ban đầu; 2 hộ thuê đất không SXKD đó là hộ bà Nguyễn Thị Xuân và hộ ông Nguyễn Văn Quảng.

Năm 2017, UBND huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành xử lý những tồn tại của các dự án thuê đất hoạt động không đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh ban đầu theo 2 hình thức. Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp với quy hoạch, không vi phạm các quy định về môi trường, đang hoạt động ổn định cho phép doanh nghiệp lập dự án để quản lý.

Với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi ngành nghề khác không phù hợp với các quy định hoặc không hiệu quả phải chấm dứt dự án, thu hồi đất. Trong số 8 đơn vị ở CCN Hoàng Đông tự ý chuyển đổi sang ngành nghề khác (cơ khí, may, cho thuê nhà xưởng, sản xuất sơn), có 5 đơn vị thực hiện chuyển đổi theo đúng quy định.

Hiện nay có 3 đơn vị là Công ty TNHH Hạnh Bình chuyển sang sản xuất cơ khí, hộ ông Nguyễn Xuân Quang chuyển sang sản xuất sơn, hộ ông  Đỗ Trần Cao (chia thành 3 phần riêng biệt sản xuất mỹ ký, cửa hàng thuốc thú y) chưa đăng ký chuyển đổi ngành nghề SXKD và chuyển đổi thành doanh nghiệp. Những tồn tại này đang được UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động tại các CCN trên địa bàn.

Một trong những khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp trong 2 CCN của huyện Duy Tiên đang gặp phải đó là đầu ra của sản phẩm không ổn định, nhất là những sản phẩm truyền thống mây tre đan xuất khẩu. Khó khăn này khiến việc chuyển đổi ngành nghề, nâng cấp hộ sản xuất trở thành doanh nghiệp ở một số dự án tại CCN Hoàng Đông chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ SXKD ở các CCN còn nhiều khó khăn bởi mức thu phí hạ tầng còn thấp (cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp sử dụng hạ tầng dùng chung là 2.500 đồng/m2/năm, doanh nghiệp không có hạ tầng dùng chung là 800 đồng/m2/năm). Chính vì vậy, đến nay một số tuyến đường nội bộ trong CCN Hoàng Đông đang xuống cấp, cống thoát nước tắc nghẽn do thiếu kinh phí duy tu... ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của các đơn vị trong CCN.

Ông Chu Thế Định, Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Duy Tiên cho biết: Để phát huy hiệu quả hoạt động của các CCN, trước tiên phải có cơ chế cụ thể trong việc huy động nguồn vốn phục vụ duy tu, sửa chữa lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bởi nguồn vốn đầu tư hạ tầng lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm, thủ tục chặt chẽ khiến các nhà đầu tư không quan tâm đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật... Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm để duy trì sản xuất ổn định...

Phùng Thống

Đức Thống, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy