Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia vào các chuỗi giá trị, thời gian qua, nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Công Lý (Lý Nhân) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng tầm sản phẩm OCOP.
Hiện nay, xã Công Lý có 4 sản phẩm OCOP gồm: Sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX dược thảo Minh Đức đạt chứng nhận OCOP, xếp hạng 3 sao năm 2020; phở khô Khánh Linh đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2021; chuỗi sản phẩm giò lụa, xúc xích, dăm bông, lạp xưởng của cơ sở sản xuất Giò Hiền, tỏi đen Linh An của cơ sở sản xuất Linh An đều đạt chứng nhận OCOP, xếp hạng 3 sao năm 2024. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Công Lý được thiết kế với mẫu mã, bao bì đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo. Trong những năm qua, song song với việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể của sản phẩm OCOP đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Bún phở khô Khánh Linh, thôn 3 Phú Đa cho biết: Gia đình tôi đã có thời gian 18 năm gắn bó với nghề tráng phở khô. Trước đây, mọi công đoạn đều làm thủ công, tuy sản lượng không được nhiều, nhưng bù lại sản phẩm phở khô được một lượng lớn khách hàng tin tưởng và ủng hộ. Sau khi sản phẩm phở khô đạt chứng nhận OCOP 3 sao, tôi đã đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất bao gồm máy vo gạo, máy xay gạo nước, máy tráng bánh, lò sấy bánh, đáp ứng yêu cầu sản xuất đơn hàng với quy mô lớn.
Cùng với việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh phân phối truyền thống, chị Hoa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm phở khô lên các sàn thương mại điện tử như shoppe; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội như zalo, fanpage, facebook… Vì vậy, sản phẩm của HTX được quảng bá rộng rãi, nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng, việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Đến nay bình quân mỗi ngày HTX Bún phở khô Khánh Linh làm ra và tiêu thụ khoảng 1 - 1,2 tấn thành phẩm. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng bán theo hình thức giao hàng liên tỉnh và trực tuyến chiếm từ 20 - 30%. Thị trường tiêu thụ mở rộng ra 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu vì vậy cũng được tăng lên. Mỗi năm, HTX Bún phở khô Khánh Linh thu về lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí khoảng 500 triệu đồng.
Một chủ thể sản phẩm OCOP khác là chị Nguyễn Thị Huyên, chủ cơ sở sản xuất tỏi đen Linh An. Tháng 1/2024, sản phẩm tỏi đen Linh An đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị Huyên đã chủ động xây dựng fanpage, facebook, Tiktok và liên kết với một số sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm. Đến nay, mỗi ngày các đơn vị liên kết tiêu thụ khoảng 30 - 50 sản phẩm tỏi đen trị giá 250 nghìn đồng/hộp với doanh thu khoảng hơn 10 triệu đồng.
Thời gian qua, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn xãCông Lý đã chủ động ứng dụng công nghệ số ở các khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các chủ thể đã tìm tòi, đưa sản phẩm lên các sản thương mại điện tử. Bên cạnh đó, một số chủ thể sản phẩm OCOP cũng tham gia các khoá học marketing để có hướng đi phân tích thị trường, định hướng chiến lược, phát triển sản phẩm, thực hiện các hoạt động quảng cáo và xúc tiến bán hàng.
Để góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP của địa phương, Đảng uỷ, UBND xã Công Lý cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP áp dụng công nghệ số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý cho biết: Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình OCOP, xã Công Lý đã tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức đến nhân dân và các chủ thể sản phẩm OCOP về hiệu quả chương trình OCOP đem lại. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình OCOP, lồng ghép việc áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu sản xuất, đến quảng bá thương hiệu sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng được xã Công Lý chú trọng thực hiện. Xã đã hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm tại các kỳ đại hội; hội nghị, lễ hội trong và ngoài huyện; các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, đại lý giới thiệu trưng bày sản phẩm, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tất cả các chủ thể sản phẩm OCOP đã thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo, youtube...; các chủ thể sản phẩm OCOP chú trọng đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng; có 50% chủ thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Thông qua việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tăng giá trị sản lượng từ sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Công Lý thêm từ 10 - 20%.
Cùng với sự chủ động theo hướng ứng dụng công nghệ số của các chủ thể và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao giá trị của mỗi sản phẩm OCOP, tăng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bùi Linh